(Tinmoi.vn) Siêu lừa Huyền Như đang là nhân vật được quan tâm nhiều nhất khi dù chỉ là một phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, nhưng ả đã có thể lừa đảo con số lên đến gần 5.000 tỷ đồng.
Vậy siêu lừa này đã sử dụng những “tuyệt chiêu” nào để lừa đảo một số tiền...khủng khiếp đến như vậy?
Dựa vào “ghế sếp” ngân hàng uy tín, đi vay với lãi suất cao
Vào năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như gặp một người tên Lý và đề cập vay tiền với lãi suất 0,4% mỗi ngày. Do số lời Như đưa ra quá cao nên Lý chấp thuận cho thị vay 3 tỷ đồng cùng 100.000 USD.
Sau đó, Như đã hỏi vay thêm của Lý với mức lãi lên đến 3,7% mỗi ngày. Do mức lãi Như đưa ra quá cao nên Lý đã chấp thuận cho Như vay 544 tỷ đồng và 340.000 USD. Trong quá trình làm ăn, Như nợ Lý tổng cộng 1.512 tỷ đồng và 340.000 USD. Đến khi Như bị bắt, đã trả được cho Lý 1.296 tỷ đồng và còn nợ 216 tỷ đồng cùng toàn bộ số USD.
Siêu lừa Huyền Như nổi bật với cặp kính tri thức trong phiên tòa hôm nay 7/1/2013
Bên cạnh Lý, Như còn vay Nguyễn Thị Lành với mức lãi suất 0,4% mỗi ngày. Đồng thời, ba ngày lại đáo hạn một lần. Ban đầu, thị vay 5 tỷ đồng, nhưng về sau, nợ được đẩy lên rất cao và cả nợ lẫn lãi tổng cộng nợ của Lành là 7.841 tỷ đồng. Cho đến khi bị bắt, thị đã trả nợ cho Lành 9.028 tỷ đồng.
Ngoài ra, Như vay của Hùng Mỹ Phương số tiền là 184 tỷ đồng và trả được cho Phương số tiền là 218 tỉ đồng và còn nợ của Phương 130 tỷ đồng. Như vay của Phạm Văn Chí 17,49 tỷ đồng và nhờ Chí đứng tên vay số tiền là 72 tỷ đồng. Huyền Như còn vay của Đào Thị Tuyết Dung số tiền là 265 tỷ đồng và trả được cho Dung số tiền là 440 tỷ đồng.
Như cũng được các chủ nợ đánh giá là người giữ lời hứa và khá có uy tín trong các giao dịch vay mượn. Đây cũng chính là lý do khiến Như có thể vay của các cá nhân những số tiền “khủng” như vậy.
Tiền vay được, Như đổ vào bất động sản. Nhưng đến năm 2010, bất động sản đóng băng, Khi đó, số tiền hơn 200 tỷ đồng mà Huyền Như vay mượn với lãi suất “khủng” cũng bắt đầu “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Tiếp tục xoay sang “tuyệt chiêu” khác
Đang loay hoay tìm lối ra khi khoản nợ nần ngập đầu thì cái vị trí đang ngồi tại Vietinbank là phó Phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh TPHCM lại trở thành một “phao cứu sinh” cho Huyền Như.
Lợi dụng vị trí, chức vụ, quyền hạn đang có, Huyền Như bắt đầu hành trình lừa đảo bằng thủ đoạn làm giả con dấu, giả tài liệu, hồ sơ của các tổ chức cá nhân, câu kết với một số đồng nghiệp, cá nhân khác…
Với thẩm quyền được phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/lệnh, Huyền Như bắt đầu hành trình lừa đảo của mình.
Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người đàn ông trên đường Phạm Hồng Thái, gần công viên 23/9, quận 1 làm giả 8 con dấu đứng tên các cơ quan, đơn vị gồm: Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm toàn cầu, Saigonbank - Berjaya.
Trong thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM để huy động tiền nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Tuyệt chiêu huy động vốn với mức hưởng lãi suất chênh lệnh cao bằng việc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của ngân hàng và một số cá nhân đơn vị, Huyền Như đã dễ dàng đưa các con mồi vào bẫy đã giăng sẵn. Một số ngân hàng thông qua các cá nhân và công ty tư nhân để gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM đã bị Huyền Như lừa mất trắng cả nghìn tỷ đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, Huyền Như đã thực hiện trót lọt hành vi, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền là 3.982 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Như trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân, trả nợ gốc, nợ lãi…
Dàn khối tài sản “khủng” trước khi bị bắt
Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ của thị 3 xe ô tô có tổng trị giá 4,56 tỷ đồng gồm: 1 ô tô 8 chỗ hiệu Lexus LX 570 màu trắng có biển số 51A-099.55, 1 ô tô 8 chỗ hiệu Toyota, Zace-GL màu ghi xám mang biển số 52Y-6111 trị giá 350 triệu đồng, 1 ô tô con 4 chỗ hiệu Hoda Civic màu đỏ với biển số 52Y-9597 trị giá 560 triệu đồng.
Kê biên 13 bất động sản là căn hộ, nhà xưởng, nhà đất có tổng trị giá 185,33 tỷ đồng. Cụ thể gồm: đất tại tỉnh An Giang, 1 căn hộ Ruby 1 - 3402 trị giá gần 41 tỷ đồng thuộc tòa tháp Ruby 1 Khu dân cư Sài Gòn Pearl số 92 Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), 4 căn hộ Orient Apartment tại số 331 Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), 6 căn hộ và 2 biệt thự, 1 villa và nhiều bất động sản khác tại TP.HCM và các tỉnh như Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Đà Lạt.
Ngoài những tài sản lớn, Như còn bị thu giữ cả những tài sản nhỏ nhặt như giường, tủ, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp, lò vi sóng, máy rửa chén... trong các căn hộ và biệt thự có trị giá hơn 512 triệu đồng.
Tổng cộng, số tài sản Như bị thu giữ có giá trị tổng cộng gần 230 tỷ đồng. Con số này nếu đứng riêng một mình thì khá lớn. Tuy nhiên, khi đặt cạnh số tiền 5.000 tỷ đồng thị đã chiếm đoạt thì nói không ngoa chỉ bằng “con muỗi”.
Thảo Ly (Tổng hợp)
Tinmoi/Seatimes