TTXVN đưa tin, ngày 8/10, UBND tỉnh Hà Giang đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Báo cáo số 412/BC-UBND của UBND tỉnh Hà Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký đã nêu rõ: Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, đối với các vấn đề xác định ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mời các chuyên gia đánh giá giúp làm cơ sở để xử lý các vi phạm theo quy định.
Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng cấp Quốc gia năm 2009 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong các quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2020-2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Những năm qua, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng đã được đông đảo khách du lịch đánh giá là điểm đến hấp dẫn của Hà Giang với phong cảnh đẹp, vệ sinh môi trường đảm bảo. Tuy nhiên, địa bàn danh thắng nằm trên cung đường đèo, chưa có điểm dừng chân ngắm cảnh toàn cảnh hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng.
Theo báo Tuổi trẻ, cũng tại văn bản số 412/BC-UBND cho biết: Theo báo cáo khảo sát của GS Guy Martini - tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO và là chuyên gia của GGN - vào tháng 2/2018, khuyến nghị tỉnh Hà Giang xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực Mã Pì Lèng (khu vực xây dựng nhà nghỉ nêu trên).
Căn cứ báo cáo khuyến nghị của chuyên gia GGN, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra và có văn bản chỉ đạo, giao cho huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện.
Văn bản yêu cầu công trình được hoàn thành trước tháng 7/2018 để phục vụ cho kỳ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2 năm 2018 vào tháng 9/2018.
Về vị trí xây dựng điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng (nhà nghỉ, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama), Hà Giang cho biết công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng.
Tuy nhiên, theo điều 36 của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó, cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, trong cuộc họp báo quý 3 sáng 8/10, ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn Bộ VHTTDL nhắc lại, tới nay Bộ chưa nhận được bất cứ văn bản xin ý kiến đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này tới dang thắng quốc gia Mã Pì Lèng.
Đằng sau công trình không phép trên đèo Mã Pì Lèng này chính là câu chuyện xã hội hóa đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch. Công trình này mọc lên một phần cũng do chủ trương kêu gọi của tỉnh, huyện. Tuy nhiên chủ đầu tư công trình không tuân thủ quy định pháp luật, làm sai lệch chủ trương của tỉnh. Trong các văn bản chủ trương đầu tư xây dựng điểm dừng chân, tỉnh lưu ý yếu tố nguyên vật liệu sẵn có, thân thiện môi trường, không có chủ trương xây dựng công trình kiên cố, đồ sộ như thế.
“Cho dù chúng ta là tư nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần kinh tế nào cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Công trình xây dựng ở Mã Pì Lèng hay bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, cho dù góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa hay thể thao Bộ không khuyến khích nếu vi phạm luật”, ông Bình nói.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch phân tích, khi đưa công trình vào hoạt động phải đảm bảo quy định pháp luật chung, quy định địa phương cũng như quy định về điểm đến. Nhu cầu du lịch là nhu cầu tự nhiên của con người, nhưng tổ chức du lịch thế nào phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. “Điểm du lịch phải được cấp phép hoạt động, đảm bảo tính hấp dẫn, sự an toàn cho khách. Đối với các điểm du lịch mới, ngành du lịch đều yêu cầu đánh giá kỹ, được sự đồng ý của chính quyền địa phương khi đưa vào hoạt động”, ông Siêu nói.