Chiều 12/8, họp trực tuyến với 15 địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Ngành y tế đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine phòng ngừa, điều trị Covid-19".
Trên Zingnews.vn dẫn lời ông Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - đơn vị đã nghiên cứu vắc xin Covid-19 ngay từ đầu dịch, chia sẻ việc nghiên cứu thành công vaccine phòng Covid-19 là thách thức với các nhà sản xuất.
Dựa trên các phát minh, mỗi quốc gia có lựa chọn riêng khi phát triển vaccine. Ví dụ, Đại học Boston (Mỹ) chuyên nghiên cứu giá thể virus để làm vaccine. Việt Nam cũng bám sát các phát minh của thế giới để áp dụng vào việc sản xuất vaccine.
Trao đổi với Thanh niên, TS Đỗ Tuấn Đạt, cho biết vừa qua VABIOTECH đã thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên động vật. Kết quả cho thấy kháng nguyên của vắc xin đáp ứng miễn dịch, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết hiện các nhà khoa học đang trong giai đoạn tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Theo TS Đạt, công nghệ sản xuất vắc xin đang tiếp cận, làm chủ, là công nghệ vector vi rút. Công nghệ này có lợi thế là có thể nâng được công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Với công nghệ cũ, các lô mẻ sản xuất vắc xin cho năng suất thấp hơn, hiệu suất thấp hơn, và phải qua nhiều bước để nhân chủng, tinh chế, thời gian có vắc xin lâu hơn và hiệu suất không cao.
Trong khi đó, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, thành viên Hội đồng Khoa học, Bộ Y tế, cho biết theo dự tính, cuối năm 2021, vaccine Covid-19 của Việt Nam hoàn thành.
"Nếu Việt Nam thành công, khoảng thời gian như vậy là quá nhanh. Theo truyền thống, chúng ta phải mất 5-6 năm để cho ra đời một vaccine mới", TS Vân nói.
Thế giới có khoảng 163 ứng viên vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển. Những nỗ lực này chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ.
Tại Việt Nam, 4 nhà đơn vị đang nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19.