Trong mắt những người từng kinh doanh, việc để một vị khách mặc kém sang đứng trong cửa hàng, hay phục vụ khách chi ít tiền, có khả năng mang lại rủi ro lớn.
Vì đâu có hiện tượng đuổi khéo khách?
Thông tin một số quán bình dân ở phố cổ đuổi khách gọi món ít, hay một số cửa hàng sang trọng của Hà Nội không tiếp nếu khách ăn bận kém sang, nhận được khá nhiều sự quan tâm của mọi người. Đa phần độc giả phản đối cách kinh doanh mang nặng tính phân biệt đối xử. Tuy vậy, một số người từng có kinh nghiệm xương máu trong nghề đã lên tiếng minh oan phần nào cho thái độ bán hàng nói trên.
Bạn Mai Huy Hoàng phân tích, việc những người khách ăn mặc xuề xòa, râu tóc luộm thuộm lang thang trong cửa hàng hạng sang sẽ khiến những vị khách khác đánh giá không tốt, cũng như không ghé vào mua hàng. Đây là rủi ro khá lớn về mặt thương hiệu. Ngoài ra, bạn nói thêm, việc mặc bất lịch sự cũng là một nguyên nhân khiến nhân viên bán hàng tỏ thái độ không đúng mực: "Nếu bạn không tôn trọng mình bằng cách mặc đúng hoàn cảnh, làm sao có thể yêu cầu người khác làm điều đó".
Bàn về việc quán ăn đuổi khách vì gọi ít món, bạn Thành bày tỏ sự đồng cảm với chủ quán. Bạn chia sẻ: "Đã là kinh doanh, khách nào cũng là khách nhưng khách gọi nhiều, ngồi lâu không ai có ý kiến. Với những vị khách gọi có một món mà ngồi cả ngày hay phải thức chờ đến 2-3h sáng để dọn dẹp thì chẳng bõ công".
Chị M., một người dân của Hà Nội có thói quen dạo phố cổ thưởng thức các món ngon, đúc kết rằng, thường quán nào càng ngon càng có diện tích nhỏ. Khi số chỗ ngồi hạn chế, giá thuê mặt bằng cao, chủ quán sẽ muốn tiếp càng nhiều lượt khách càng tốt, nên khách ăn ít lại ngồi lâu bị “đuổi khéo” là chuyện dễ hiểu. "Chưa kể những những quán phở, quán nem rán, người bán phải ngồi cạnh bếp lò, nồi nước dùng, chảo mỡ sôi suốt cả ngày, thì chẳng ai có tâm trạng dễ chịu", chị cho biết.
Việc ngồi cả ngày bên cạnh những chiếc nồi hay chảo dầu sôi sùng sục sẽ khiến tâm trạng người bán có tâm lý không dễ chịu nên thường cau có với khách. |
Gieo bão thái độ sẽ gặt hậu quả về sau
Tuy vậy, đa phần độc giả cho rằng thái độ xem thường khách hàng là điều cấm kị trong lĩnh vực kinh doanh.
Nói về vấn đề này, một độc giả dí dỏm kể lại câu chuyện từng một thời lưu truyền ở Bình Dương. Đó là chuyện một đại gia ăn mặc rất giản dị vào một cửa hàng bán xe máy, hỏi người bán hàng: “Xe Dream bao nhiêu một chục?”. Thấy cách ăn mặc của ông, người bán hàng từ chối trả lời cũng như có thái độ đuổi khách. Thấy thế, ông bỏ qua hàng bên cạnh. Nhân viên bán hàng bên này khá nhiệt tình đón tiếp, tư vấn giá cả. Kết quả, người đàn ông bận đồ bà ba đã mua một lúc cả chục chiếc xe Dream có giá mỗi chếc bằng cả gia tài trong cái nhìn ngỡ ngàng của nhân viên cửa hàng trước đó.
Câu chuyện này có thể không mang nhiều tính chân thật, nhưng đã phản ánh rõ những thiệt hại mà cửa hàng có thể gánh chịu khi đánh giá nhầm về khách. Người làm kinh doanh không nên tham con tôm mà bỏ con tép, bởi không loại trừ trường hợp một số người đến ăn thử, nếu ngon, lần sau, họ sẽ kéo theo bạn bè, người quen đến ăn. Việc từ chối khách lẻ hay ăn ít sẽ khiến quán mất đi nhiều khách hàng tiềm năng.
Nhiều hàng quán vỉa hè ngày nay rất chịu khó chiều khách, bất chấp việc số tiền trả chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng. |
Một điều những người kinh doanh cần nhớ, đó là "gieo bão thái độ sẽ gặt hậu quả". Khách hàng hiện nay rất khó tính, chưa kể tới sức lan tỏa cực lớn khi thông tin được chia sẻ trên các mạng xã hội, diễn đàn. Thái độ phục vụ của quán sẽ được truyền miệng, đôi khi với tốc độ tên lửa, tới rất nhiều người khác, khiến quán mất đi một lượng khách hàng đáng kể.
"Một truyền mười, mười truyền một trăm, chẳng bao lâu, sẽ không ai đến quán. Lúc đó, ngay cả khách mua lẻ cũng không có để bạn phục vụ", một bạn đọc nhận định.
Giải pháp nào đẹp lòng cả người bán, người mua?
Bạn T.O phân tích, vì người Việt có thói quen ngồi "om" tại quán để trò chuyện, nên việc quán không đủ chỗ phục vụ người mới đến rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp quán chật, khách đông, người bán có thể tư vấn để khách mua về.
Về vấn đề làm sao để đẹp lòng những khách vào quán mà chỉ gọi ít đồ ăn, lại "bám trụ" dai, một số bạn từng kinh doanh ở Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm thú vị. Quán nên lên thực đơn theo phần để khách không thể gọi ít đi: "Một đĩa bán 7 cái, ghi có rõ ràng thì khách kêu 5 cái cũng không được, quá dễ sao lại không làm". Trường hợp khách vẫn "kiên quyết" gọi ít và chỉ chú tâm trò chuyện, nhân viên có thể khéo léo gợi ý cho khách những món ngon của quán vài lần. Khi cuộc nói chuyện không được liền mạch, khách sẽ hiểu rằng họ nên tới quán cà phê để tâm sự hơn là chọn quán ăn xô bồ.
Các quán vỉa hè Sài Gòn thường kê bàn sát nhau để có thêm diện tích phục vụ. Ảnh: Kenh14 |
Bạn Sĩ Bùi cũng hiến một cách để tránh hiện tượng khách ăn ngồi "cà kê": kê bàn sát vào nhau để khách không có không gian nói chuyện. “Điều này khiến quán không chỉ giảm tải số lượng mà cũng khiến khách cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều”, bạn cho biết.
Ngoài ra, bản thân thực khách cũng cần tìm hiểu thêm về nơi sắp đến. Trường hợp bàn bạc công việc hay ngồi lâu, nên chọn những quán đắt tiền hơn một chút để nhận được sự phục vụ tương xứng. Trường hợp đưa bạn bè tới quán nhỏ thưởng thức đặc sản, nên chuẩn bị trước tinh thần cho người đi cùng để tránh việc "sốc văn hóa".