“Với Việt Nam, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng, vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa chỉ là tiểu cục. Phải coi trọng đại cục mối quan hệ chứ đừng vì tiểu cục mà coi nhẹ đại cục”. Điều này không thể chấp nhận.
Tin tức từ Tân Hoa xã ngày 16/6 cho hay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng thông báo dự án bồi đắp phi pháp của nước này trên một số bãi đá (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ được hoàn tất “trong vài ngày tới”. Điều này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều học giả cho rằng, đây là hành động làm “hạ nhiệt” căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông trước những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế khi mà chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới Mỹ trong tháng 9 đang tới gần. Nhiều ý kiến khác lại nhận định, tuyên bố này của Trung Quốc sẽ báo hiệu những bước đi nguy hiểm hơn trên Biển Đông.
Để giúp bạn đọc có được cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa 8, 9, 10 nhằm tìm ra những nhận định, tham mưu đúng đắn cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Những hành động “vượt quá xa tầm kiểm soát”
Trước việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành việc bồi đắp cải tạo đảo trên Biển Đông và sau đó còn công bố danh mục các công trình sẽ xây dựng trên các đảo nhân tạo đó, Trung tướng có đánh giá như thế nào về những động thái này của phía Trung Quốc?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu IV |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Sâu chuỗi các hành động của Trung Quốc tôi cho rằng, mỗi hành vi của nước này trên Biển Đông đều ẩn đằng sau những toan tính hết sức khó đoán và thâm hiểm. Dã tâm muốn độc chiếm Biển Đông bằng “yêu sách 9 đoạn” phi lý đã và đang được Trung Quốc hiện thực hóa qua một chuỗi các hành động gây hấn, vi phạm, xâm lấn vùng biển chủ quyền của nước khác.
Một khi Trung Quốc nói rằng sẽ ngừng một hành động vi phạm nào đó trên Biển Đông thì chỉ ít thời gian sau, họ lại tiếp tục có những hành động gây hấn ngang ngược hơn trước.
Ngay từ các năm 2011, 2012 Trung Quốc đã nhiều lần có hành vi cản trở và cắt cáp thăm dò khi tàu Viking 2 và Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành khảo sát trên Biển Đông; cho tới việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Đó là chưa kể tàu cá, tàu ngư chính nước này nhiều lần gây sự, đâm va và cướp phá tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa…
Nguy hiểm hơn cả là từ hơn một năm nay, Trung Quốc ráo riết cho cơi nới, mở rộng 7 đảo đá ngầm trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà họ đánh chiếm từ năm 1988; 1995 và còn tuyên bố sắp xây dựng trên đó những công trình liên quan.
Luồng ý kiến cho rằng Trung Quốc đang “xuống thang” trước những chỉ trích của Mỹ và cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ là điều không tưởng. Trừ khi, họ tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn hành động cải tạo và xây dựng trái phép trên các đảo đó.
Hôm 17/6, hình ảnh vệ tinh cho thấy 1 tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã neo đậu trái phép gần bãi đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa. Phải chăng, đá Chữ Thập có một vị trí đặc biệt nào đó tại nơi này mà phía Trung Quốc còn cho xây cả đường băng quân sự dài tới hơn 2000m tại đây, thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ngoài mặt họ nói dùng vào mục đích dân sự như tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học hàng hải nhưng sâu xa chính là nhằm mục đích quân sự. 7 hòn đảo nổi đó sẽ thành những tiền đồn quân sự của Trung Quốc nhằm khống chế toàn bộ vùng quần đảo Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung.
Nói về đá Chữ Thập, đây là một đảo đá ngầm nằm ở phía tây bắc của quần đảo Trường Sa và có vị trí chiến lược, then chốt trong toàn bộ quần đảo này. Nếu từ đất liền của ta mà muốn ra khu vực Trường Sa thôi, chứ chưa nói ra Biển Đông thì đều phải qua bãi đá Chữ Thập.
Cùng với Gạc Ma, Trung Quốc còn cho xây dựng thêm một đường băng quân sự dài hàng ngàn mét ở bãi đá Chữ Thập. Đây được coi là động thái rõ ràng rằng, họ muốn dần biến 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự có đủ sức mạnh cả về hải quân, không quân có đủ chỗ đáp cho những loại máy bay chiến lược mới của họ. Đe dọa bất cứ nước nào có ý định di chuyển vào khu vực này.
Trong chuyến công tác kéo dài 28 ngày đêm ra đảo Nam Yết và Sinh Tồn vào năm 1992 để nghiên cứu phương án phòng thủ, đoàn chúng tôi còn phải đi vòng tránh qua đá Chữ Thập để tránh sự theo dõi của Trung Quốc – khi ấy vẫn chỉ là một bãi đá ngầm bị nước này chiếm giữ trái phép.
Có thể khẳng định, những hành động ngang ngược mới đây của phía Trung Quốc đã “vượt quá xa tầm kiểm soát” theo tinh thần thỏa thuận chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Các công trình Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên nền đảo nhân tạo ở Đá Châu Viên thuộc Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Asahi Shimbun |
Ta phải “tỉnh” để không bị Trung Quốc “ru ngủ, đánh lừa”
Theo dự đoán của Trung tướng, những hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ đi theo hướng như thế nào? Liệu họ có chịu sự chi phối và tác động của chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới đây?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng, Trung Quốc là một quốc gia đã có những hành động “nói một đằng, làm một nẻo” về vấn đề Biển Đông.
Những tuyên bố mới đây từ Bộ Ngoại giao nước này cần được cộng đồng quốc tế nhìn nhận với thái độ thận trọng. Việt Nam càng phải tỉnh táo hơn nữa để không bị Trung Quốc “ru ngủ”.
Trong các điều khoản của DOC cũng như thỏa thuận chung của lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký kết thì, Trung Quốc luôn là “kẻ bội ước” và luôn làm phức tạp thêm tình hình trước khi các tranh chấp được giải quyết.
“Với Việt Nam, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng, vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa chỉ là tiểu cục. Phải coi trọng đại cục mối quan hệ chứ đừng vì tiểu cục mà coi nhẹ đại cục”. Luận điểm này của phía Trung Quốc theo tôi là không thực tế.
Biển Đông là không gian sinh tồn quyết định sinh tử của một quốc gia biển như Việt Nam. Vậy tại sao lại coi vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa là tiểu cục được? Đó là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn bất chấp luật pháp quốc tế. Họ làm gì có quyền cho rằng đó là “tiểu cục” của Việt Nam được!
Bản chất của Trung Quốc vẫn không đổi và những hành động tiếp theo trên Biển Đông chắc chắn sẽ còn leo thang và nguy hiểm hơn nhiều những việc làm vừa qua. Vì vậy, dù sắp tới ông Tập Cận Bình có thăm Mỹ đi nữa thì, chiến thuật “gặm nhấm, không đánh mà thắng” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của nước này.
Tất nhiên, hình thái và mức độ của nó cũng sẽ khiến Trung Quốc tính đến. Đặc biệt, là tác động của chiến lược “xoay trục” của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Vậy Trung tướng “hiến kế” gì trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trước hết, tôi rất mừng vì vấn đề này đã được các vị ĐBQH tham gia kỳ họp này quan tâm sâu sắc.
Quốc hội – Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước cần có tuyên bố chính thức về vấn đề Biển Đông nhằm thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân cả nước.
Trung Quốc đã vi phạm bằng các hành động trắng trợn thì ta cũng phải có các hành động cụ thể. Nhưng tôi nhấn mạnh không phải sử dụng vũ lực mà bằng nhiều các hình thức khác trên thực địa.
Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ và động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Góp phần khẳng định chủ quyền trên biển cho Tổ quốc.
Nếu như hàng ngày, trên ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa của ta luôn có sự hiện diện của khoảng 1 – 2 triệu ngư dân Việt Nam cùng với lực lượng thực thi pháp luật như Cảnh sát biển, Kiểm ngư hay Hải quân thì các tàu Trung Quốc sẽ phải dè chừng và không dám gây sự với ta.
Thứ hai, ta cần từng bước đầu tư trên các đảo để hình thành các căn cứ hậu cần như cung ứng nguyên vật liệu, hỗ trợ thu mua thủy hải sản, hướng dẫn ngư dân tránh trú bão…
Thứ ba, phải tự chủ trong vấn đề đấu tranh và không hoàn toàn phụ thuộc vào bất kỳ nước nào. Tận dụng sức mạnh ngoại giao và pháp lý để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là về công tác thông tin tuyên truyền. Báo chí phải định hướng dư luận bằng những thông tin khách quan, chân thực, đại diện cho tiếng nói chính nghĩa vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trao đổi!
Cao Tuân – Đình Tuệ