Vụ việc một người đàn ông đưa con đến trường bị nhóm người áp tải lên xe mang đi khiến công an Bình Thuận huy động lực lượng truy đuổi, chặn bắt nhóm "bắt cóc" gây xôn xao dư luận. Nhưng thực chất vụ việc là do một đội của Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vào thực hiện...
Trên đường chở con đi học, anh Lê Hồng Phong (ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã bị một nhóm người ập tới khống chế trong xe, chở về phía TP. HCM. Cho rằng đây là một vụ bắt cóc người, Công an Bình Thuận đã tung lực lượng chốt chặn, bám đuổi.
Theo báo Tuổi trẻ, sự việc sau đó được xác định là Công an Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội “mời” đương sự về... làm việc do có những vấn đề liên quan đến pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều độc giả bức xúc cho rằng, việc bắt giữ này chưa ổn về nghiệp vụ, gây bất ổn tâm lý cho cháu bé, gây hoang mang dư luận…
Ảnh chụp màn hình comment của độc giả |
Bạn đọc có nickname Cảnh Huy cho rằng: Vụ việc này phải "đúng quy trình" chứ nếu không thì cơ quan chức năng địa phương đã không truy đuổi , và thông báo với người dân đỡ hoang mang...
Nếu "mời" anh Phong đi thì đâu cần vội vàng và hùng hổ như thế. Nếu có báo địa phương thì CA Bình Thuận đâu cần phải truy đuổi - đó là quan điểm của bạn Robin.
Bạn có tên Van Su nêu quan điểm: Việc bắt người là đúng, nhưng có lẽ thiếu tính nhân văn vì không nên bắt nghi phạm trước mặt đứa con nhỏ của họ. Liệu đứa bé sẽ như thế nào khi thấy cảnh đó? Huống hồ đây không phải là nghi phạm trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng như giết người.
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn Trần Tùng cho rằng: Cho dù là khẩn cấp cũng không nên ở trước mặt người dân và trẻ con mà hành xử như vậy chừng ấy thời gian mà người dân xung quanh không được biết các ông là ai, giả sử nếu là bọn bắt cóc thật thì sao. Cho dù là tội phạm nghiêm trọng trọng nền pháp trị phải rõ ràng huống chi trong thời khắc đó còn có trẻ con.
Bên cạnh nhiều ý kiến thắc mắc liên quan đến vấn đề nghiệp vụ, nhiều độc giả cũng quan tâm đến thông tin người tung tin vụ hai cha con bị bắt cóc.
Khu vực đường Thống Nhất, chỗ ông Phong và con được cho là bị "bắt cóc" - Ảnh: Người lao động |
Bạn đọc Võ nguyên Hồng nêu quan điểm: Chưa kể sau này nếu có xảy ra bắt cóc thật thì sẽ không có ai truy đuổi.
Bạn đọc có nickname Nguyễn Tín Nhân bày tỏ: Anh em làm nhiệm vụ mặc thường phục thì người dân không biết nói là bắt cóc cũng đúng vậy mà điều tra bắt ai tung tin.
Người tung tin này đáng lý ra phải đuợc hoan nghênh mới đúng, vì nếu đó là vụ bắt cóc thật thì sao? Nhờ đó mà nhiều người biết đến hơn, và ngăn chặn kịp thời truớc khi hung thủ đưa nạn nhân tới nơi bí mật – bạn đọc Hieu Tran thắc mắc.
Mâu thuẫn thông tin
Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ chiều 26/8, một lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng xác nhận không có chuyện tổ chức bắt giữ ông Phong cùng với con trai giống như “một vụ bắt cóc”.
“Đó là thông tin không chính xác. Chúng tôi đã xác minh lại, tổ công tác từ hiện trường báo về là mời anh Phong đi cùng cơ quan công an làm việc để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Sau đó một số người tung tin là anh Phong bị bắt cóc để làm nhiễu loạn, gây xáo trộn và cản trở quá trình điều tra” - vị lãnh đạo này nói.
Công an Q.Hai Bà Trưng cho biết quá trình đến làm việc với ông Phong đã có kế hoạch trước, khi vào Bình Thuận thì đã liên hệ, làm việc với chính quyền địa phương nơi ông Phong cư trú đầy đủ.
Về việc cơ quan công an có quyết định khởi tố hay bắt tạm giữ chưa, lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng nói:
“Cơ quan công an đang trong quá trình điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, truy xét đối tượng để làm rõ những vấn đề liên quan. Đây là mời anh Phong đi cùng cơ quan công an đến nơi làm việc để làm rõ những vấn đề, vai trò của anh Phong trong vụ án mà cơ quan công an đang thụ lý điều tra”.
Về lý do vì sao tổ công tác của Công an Q.Hai Bà Trưng lại đưa cả con trai ông Phong đi cùng, vị lãnh đạo này giải thích:
“Tôi đã yêu cầu tổ công tác báo cáo lại, không có chuyện công an tự ý đưa cả anh Phong và con trai lên xe. Khi công an gặp và mời anh Phong đi làm việc thì anh đang đi đón con ở trường học. Anh Phong chủ động xin phép được đưa con trai đi cùng để làm việc với công an xong thì về luôn, không phải quay lại trường vì đường đi rất xa”.
Lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng cho biết thêm đang làm báo cáo đầy đủ vụ việc để gửi Công an TP Hà Nội và sẽ thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí.
Một xe công của Bình Thuận đậu trước trụ sở Công an phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM chiều 26/8 - Ảnh: TH/ Pháp luật TP.HCM |
Tuy nhiên, lúc 15h chiều qua (26/8), trao đổi trên báo Thanh Niên, Đại tá Phạm Duy Khang, Trưởng công an TX.La Gi cho biết “vụ bắt cóc” thực chất là vụ bắt khẩn cấp do lực lượng công an thực hiện.
“Cho đến giờ này tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào từ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thông báo vụ việc. Tuy nhiên, khi anh em đang thực hiện điều tra truy lùng thì tôi nhận được tin đây không phải là bắt cóc gì hết mà là một chuyên án của Bộ Công an. Đáng lẽ anh em bắt xong báo cho chúng tôi một tiếng để biết và cùng phối hợp thì hay hơn” – báo Thanh Niên dẫn lời đại tá Khang nói.
Cũng liên quan đến vụ việc, lúc 15h chiều 26/8, trao đổi với trên báo Dân trí, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an - cho biết vụ việc xảy ra ở La Gi, Bình Thuận bản chất không phải là một vụ bắt cóc mà thực chất đó là một đội của Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt đối tượng truy nã.
Do tính chất vụ việc nên thông tin được giữ bí mật đến phút chót. Nhiều người dân chứng kiến vụ việc nghĩ là một vụ bắt cóc, đòi nợ nên đã báo công an. Chính Công an La Gi và Công an Bình Thuận cũng hiểu lầm đây là một vụ bắt cóc và tiến hành truy đuổi.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 27/8, tờ Zing.vn dẫn lời đại tá Đinh Huy Hoàng - Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, Công an quận Hai Bà Trưng và Cục nghiệp vụ Bộ Công an vẫn đang tạm giữ Lê Hồng Phong ở Bình Thuận, chờ di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra.
Cơ quan công an đang xác minh, làm rõ ai tung tin về vụ hai cha con bị bắt cóc để xử lý theo quy định của pháp luật - ông Hoàng khẳng định.
Xem thêm video:
[mecloud]Doz9mqaYOX[/mecloud]
Cự Giải (tổng hợp)