Ngủ trong ô tô vì nhà mất điện
Theo Dân Trí, Công an huyện An Lão (Hải Phòng) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ 3 người trong gia đình bị ngạt trong xe ô tô, trong đó một người tử vong.
Cụ thể, đêm qua do mất điện nên anh Phạm Văn T. (49 tuổi, trú thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng), con gái Phạm Minh H. (20 tuổi) và con trai Phạm Ngọc K. (15 tuổi) đã vào xe ô tô của gia đình, bật điều hòa nằm ngủ cho mát.
Khoảng 3h13 rạng sáng ngày 2/6, chị Lê Thị L. (47 tuổi, vợ anh T.) ra xe kiểm tra thì phát hiện cả chồng và con đều đã bị ngạt.
Chị L. vội tri hô, nhờ hàng xóm đưa 3 người thân đi cấp cứu tại Bệnh viện Kiến An.
Đến khoảng 7h sáng nay, em Phạm Minh H. đã tử vong. Anh T. và cháu K. vẫn đang được cấp cứu, đã hồi tỉnh.
Thông tin trên báo Dân Việt hiện nay do tiên lượng xấu ảnh hưởng đến tính mạng, 2 bố con đã được chuyển viện từ bệnh viện Kiến An lên bệnh viện Trung ương quân đội 108 để điều trị.
Công an huyện An Lão đang điều tra, xác minh vụ việc.
Chuyên gia nói gì về 3 bố con gặp nạn vì vào ô tô bật máy lạnh ngủ khi mất điện
Nói về những nguy cơ rủi ro khi ngủ trong xe ô tô, trao đổi với Vietnamnet, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết ô tô nổ máy ở môi trường tương đối kín, không gian nhỏ sẽ đốt nhiên liệu dần tiêu thụ cạn oxy trong không khí.
Trong điều kiện thiếu oxy, nhiên liệu đốt không hoàn toàn sẽ sinh ra khí carbon monoxide (CO). Đây là loại khí không màu, không mùi, giải phóng khi đốt cháy nhiên liệu, như than đá, gỗ, than củi, dầu nhiên liệu... CO gây độc rất nặng, có thể tử vong.
“Đóng cửa bật điều hòa khi xe chạy trên đường hoặc ở không gian rộng lớn không nguy hiểm, vì nhiên liệu cháy hoàn toàn tạo ra CO2 phân tán nhanh chóng ở ngoài trời, nhưng khi bị giới hạn trong không gian nhỏ, kín, thì nhiên liệu cháy không hoàn toàn sinh ra khí CO là khí rất độc, có thể cực kỳ nguy hiểm”, bác sĩ Cấp nói.
Phân tích cụ thể hơn, ông Cấp cho biết khi xe nổ máy, ô tô sẽ tiêu thụ oxy, thải ra CO2 và nước. Nhưng trong điều kiện thiếu oxy sẽ sinh ra khí CO.
“Nếu chúng ta hít phải khí này, sẽ gây ra tình trạng ngộ độc CO do CO gắn tương đối bền với huyết sắc tố trong hồng cầu, khiến huyết sắc tố không thể gắn oxy được nữa. Vì thế, dòng máu không vận chuyển được oxy đến các cơ quan trong cơ thể gây ngộ độc”, ông nói.
Dù vẫn hít thở bình thường nhưng vì máu không vận chuyển oxy nữa nên tất cả cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều thiếu oxy. Cơ quan bị tác động đầu tiên là não, với triệu chứng nhức đầu, choáng váng, mất cảm giác, hôn mê co giật và diễn tiến đến tử vong rất nhanh chóng. Do người bệnh bị mất ý thức, hôn mê tương đối nhanh nên không cảm nhận được cảm giác ngạt và không tự dậy để mở cửa hay tắt máy xe.
Thông thường, nếu bật điều hòa xe liên tục thì điều hòa sẽ nhanh chóng tiêu thụ hết điện trong ắc quy, do vậy để sử dụng được điều hòa lâu, các chủ xe thường phải mở máy chạy cầm chừng, và nếu thực hiện thao tác này ở không gian hẹp, không thoáng gió thì sẽ cực kỳ nguy hiểm do động cơ xe sinh ra khí CO như trên đã nêu.
Ngay cả trong trường hợp không nổ máy xe mà ngủ trong xe đóng kín các cửa khi xe không di chuyển cũng rất nguy hiểm vì không gian trong cabin xe khá nhỏ, chúng ta hít thở một lúc lâu sẽ tiêu thụ cạn oxy và sản sinh quá nhiều khí CO2 trong xe, dẫn đến ngạt.
Thêm vào đó, trong khí trời, nồng độ oxy là 21% và CO2 khoảng dưới 0,04%. Nếu nồng độ O2 trong cabin xe giảm xuống dưới 11% hoặc CO2 tăng cao trên 1,5% thì người ở bên trong sẽ bị mất ý thức, hôn mê và không tự thức tỉnh dậy được để mở cửa, người ngủ trong thời gian dài có thể lịm dần và tử vong.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo nếu không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngủ trong ô tô, để đảm bảo an toàn, cần chọn nơi thông thoáng và râm mát để đỗ xe. Mở hé cửa sổ hoặc sử dụng cửa sổ trời nếu ô tô của bạn có. Nếu đỗ xe nơi môi trường kín, nhỏ, không thoáng gió thì tuyệt đối không được nổ máy xe lâu.
Trước đó, thông tin trên Dân Trí, bác sĩ Đặng Thị Trang, Trưởng khoa Y tế lao động - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình từng chia sẻ trên Đài PT-TH Thái Bình: "Trong khi xe ô tô đóng kín cửa nổ máy, bật máy lạnh, trong xe có mức độ dễ chịu nhưng mức ôxy sẽ giảm. Nếu xe đậu ở nơi không có nhiều gió, khí CO phát sinh trong khi xe hoạt động có thể rò rỉ vào xe. Đây là khí độc, nồng độ khí trong xe tăng làm giảm lượng ôxy vào máy khiến cơ thể sốc và có thể đột ngột tử vong". Những ngày vừa qua các tỉnh phía Bắc trải qua chuỗi ngày nắng nóng cực điểm, nhu cầu dùng điện tăng cao đột biến gây quá tải, nhiều nơi phải cắt điện luân phiên. Theo đó, người dân cần cận trọng với các phương phát chống nóng tạm thời. |