Liên quan đến số tiền 5 triệu Yên Nhật chị ve chai nhặt được sẽ thuộc về ai, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Vụ việc chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (36 tuổi, trú tại Quận Tân Bình, TP. HCM) làm nghề bán ve chai đã vô tình phát hiện trong chiếc thùng loa cũ số tiền 5 triệu Yên Nhật từ hơn 1 năm trước giờ đang gây xôn xao khi gần hết thời hạn 1 năm (28/4/2014 – 28/4/2015) thì xuất hiện một nhân vật tự xưng là chủ sở hữu của số tiền này.
Hình ảnh lao động hàng ngày của chị Nguyễn Thị Ánh Hồng bên chiếc xe đẩy mua bán ve chai trên đường phố Sài Gòn. |
Do còn vướng mắc về một số thủ tục liên quan mà số tiền trên hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng phân xử thuộc sở hữu về ai. PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư (LS) Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thưa Luật sư! Việc xác định quyền sở hữu với tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì được quy định như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ quan điểm quanh vụ việc này. |
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 241 Bộ luật dân sự 2005 thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật hay tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được. Trường hợp nếu vật đó có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Liên hệ với tình tiết bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, trú tại Huyện Hóc Môn, TP. HCM) bất ngờ trình báo tới cơ quan Công an quận Tân Bình và cho rằng số tiền 5 triệu Yên mà chị Hồng bán ve chai nhặt được là của chồng mình. Liệu có thể giải thích điều này như thế nào, thưa Luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo như quy định tại điều 241 Bộ luật dân sự 2005 nêu trên, trong thời gian một năm mà chủ sở hữu có đơn trình báo thì việc nhận lại số tiền đã mất đó là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, trong thời hạn một năm đó bà Ngọt có thể vì một số lý do nào đó như ốm đau, cố gắng thu thập chứng cứ tài liệu chứng thực nguồn gốc tài sản đó nên mới chậm trễ thông báo như vậy là điều có thể giải thích được. Tuy nhiên, việc mãi tới cuối thời hạn nêu trên mới thông báo là điều không có lợi cho bà Ngọt vì tâm lý ai cũng muốn tìm lại tài sản của mình bị mất trong thời gian sớm nhất. Có thể do còn vướng mắc trong khâu thu thập tài liệu chứng cứ liên quan vẫn chưa đủ nên bà Ngọt mới trình báo chậm như vậy.
Bên cạnh đó, do đây là tiền Nhật – là ngoại hối nên việc giao dịch, vận chuyển, sử dụng phải tuân theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 cùng các văn bản hướng dẫn.
Để có thể chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp đối với số tiền trên thì bà Ngọt phải đưa ra được chứng cứ về việc mình là người đã bán chiếc hộp có chứa số tiền trên, đồng thời người mua chiếc hộp là chị Hồng cũng phải xác nhận mình đã mua lại chiếc hộp có chứa 5 triệu Yen từ bà Ngọt. Ngoài ra, trong trường hợp bà Ngọt cho rằng số tiền trên được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thì bà phải đưa ra các chứng từ hợp pháp cùng các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số tiền cũng như việc chuyển số tiền trên về Việt Nam. Trường hợp số tiền 5 triệu yên Nhật này là do vợ chồng bà Ngọt mua của một tổ chức tín dụng nào khác thì bà Ngọt cũng phải đưa ra được các hóa đơn, chứng từ về việc mua bán này.
Vậy theo Luật sư trong tình hình hiện nay, cơ quan nào sẽ là đơn vị đứng ra xác định chủ sở hữu của số tiền này và để giải quyết sự việc này phải cần có những yếu tố cấu thành cần thiết như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Xét trong tình hình hiện nay, bởi bà Ngọt đã có đơn trình báo tới cơ quan công an quận Tân Bình về việc bị mất số tiền này thì Công an quận sẽ không có thẩm quyền giải quyết nữa mà sẽ hướng dẫn một trong hai bên đương sự sẽ đưa đơn ra Tòa án nhân dân cấp Thành phố để giải quyết dân sự. Còn nếu một trong hai hoặc cả hai bên đương sự gồm bà Ngọt và chị Hồng không có đơn thì tòa sẽ không giải quyết nữa.
Khi đưa đơn như vậy thì sẽ có hai trường hợp: Một là tranh chấp quyền sở hữu. Hai là kiện đòi tài sản.
Thực tế cho thấy, nếu theo hướng thứ nhất là kiện tranh chấp quyền sở hữu thì chị bán ve chai là bên đuối lý vì gần như không thể. Còn đối với bà Ngọt thì có thể viết đơn khởi kiện đòi tài sản hoặc kiện hành chính (đối với chính quyền khi thụ lý vụ việc). Khi đó, tùy theo những bằng chứng mà bà Ngọt cùng với chồng cung cấp đủ chứng minh nguồn gốc của số tiền 5 triệu yên Nhật kia là của họ thì mới được nhận lại số tiền đó. Bằng không, Tòa án sẽ giải quyết theo quy định tại Điều 241 Bộ luật dân sự về quyền sở hữu với tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sử hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận.
Được biết, hồi năm 2012 bà Ngọt có kết hôn với chồng là ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi) do Nigieria cấp chứ chưa về đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Hiện chồng bà Ngọt cũng chưa có mặt trực tiếp tại Việt Nam nên phía cơ quan chức năng đang yêu cầu bà Ngọt khẩn trương gọi ông Caleb phải trực tiếp sang đây hoặc có giấy ủy quyền hợp pháp cho vợ để giải quyết vụ việc này. Đồng thời, cơ quan chức năng vẫn chưa nhận được đầy đủ bằng chứng chứng minh nào của bà Ngọt về số tài sản trên.
Vụ việc vẫn đang được các bên liên quan tiếp tục làm rõ.
Đình Tuệ