Theo tin tức từ Vnexpress, Lao Động, sáng ngày 19/6, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên án phúc thẩm với năm bị cáo trong vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết ở bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Theo đó, Hoàng Công Lương được tòa chấp nhận một phần kháng cáo và phải nhận 30 tháng tù về tội Vô ý làm chết người, được trừ 14 ngày đã tạm giam.
Ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh Hoà Bình) mỗi người được giảm 6 tháng tù, còn 30 tháng tù.
Riêng Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) dù không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đỗ Anh Tuấn, tuy nhiên HĐXX nhận định bị cáo đã tích cực giải quyết hậu quả khi vụ việc xảy ra, có công trong công tác xã hội hóa việc khám chữa bệnh, tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, đồng thời có thêm các tình tiết mới như bố đẻ có công với cách mạng. Do đó, HĐXX nhận thấy bản án sơ thẩm 30 tháng tù là nghiêm khắc, có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt tù đối với bị cáo và xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Cụ thể HĐXX tuyên bị cáo Đỗ Anh Tuấn 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (bản án sơ thẩm tuyên 30 tháng tù giam).
Riêng đối với bị cáo Trường Quý Dương, HĐXX nhận định bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác. Tuy nhiên, những tình tiết giảm nhẹ này đã được ghi nhận trong bản án sơ thẩm nên HĐXX tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù đối với Trương Quý Dương.
Cũng tại phiên tòa xét xử, Bộ Y tế và Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã được mời đến để làm rõ một số tình tiết vụ án, trong đó có nguyên nhân tử vong có 9 nạn nhân. HĐXX phúc thẩm khẳng định ý kiến của Bộ Y tế về nguyên nhân xảy ra vụ án là không có căn cứ, không phù hợp với chứng cứ có trong vụ án. Trong khi đó, các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là chính xác, khoa học. Theo đó, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình cho phù hợp; chấn chỉnh lại công tác xã hội hóa trong y tế, không để xảy ra những thảm họa đáng tiếc.
Bên cạnh đó, HĐXX kiến nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế công lập; có sự phối hợp, phân công rõ ràng. Còn BVĐK tỉnh Hòa Bình, cần có sự phân công hợp lý giữa các khoa phòng, xác định cụ thể vị trí của các cá nhân, khoa phòng,…
Cũng theo tin tức từ Infonet, về các khoản bồi thường mai táng phí theo kháng cáo của các gia đình bị hại, HĐXX xét thấy các khoản chi đã được kê khai chi tiết, nhưng bản án sơ thẩm không chấp nhận phải bồi thường các khoản ăn uống trong đám tang là phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình các bị hại không đưa ra được chứng cứ mới nên tòa phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo này.
Về kháng cáo tăng mức tiền cấp dưỡng nuôi con nhỏ của hai gia đình nạn nhân, HĐXX cũng không chấp nhận nội dung kháng cáo này.
Về trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân, HĐXX cho rằng Bùi Mạnh Quốc là người làm công chô công ty Thiên Sơn nên công ty Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường thay Bùi Mạnh Quốc theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, do sự cố xảy ra ở BVĐK tỉnh Hòa Bình nên bệnh viện phải chịu 70% nghĩa vụ bồi thường, CTCP Dược phẩm Thiên Sơn phải chịu 30% số tiền còn lại như bản án sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn hợp lý.