(Tinmoi.vn) Liên quan đến vụ công an Hà Nội bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Trang, phục vụ và trông giữ trẻ ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) và một người phụ nữ tên Nguyệt vì có hành vi mua bán trẻ em. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu vụ việc có sự liên quan của sư thầy Đàm Lan hay không?.
Tin đồn mua bán trẻ em và lời khai của bảo mẫu Trang
Theo tờ giadinhonline dẫn nguồn từ Phunuonline cho hay, sau khi bảo mẫu chùa Bồ Đề là Nguyễn Thị Thanh Trang bị bắt, "thị" đã òa khóc trong phòng giam :“ Sao sư trụ trì vội vàng “phủi” tôi đi như thế? Tôi đi tù, 3 đứa con tôi đều đang ở trong tay sư thầy, 1 đứa cũng bị khai sinh là trẻ bị bỏ rơi, chúng sẽ ra sao?”. Khiến nhiều người nghĩ rằng sự thầy Đàm Lan có vai trò quan trọng trong nghi vấn "mua bán trẻ em" ở chùa Bồ Đề.
Trong khi đó, sau khi bảo mẫu Trang bị bắt, sư thầy Đàm Lan gọi điện cho anh Nguyễn Thành Long (trú tại số nhà A80, lô nhà vườn, Khu đô thị Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) thanh minh: “Bác không ngờ là nó lại làm những việc như thế sau lưng bác. Anh giúp bác trả lại sự trong sạch cho chùa…”.
Trước đó ngày 15/7, Phunutoday.vn đã dẫn đăng bài viết "Sự thật khủng khiếp về Chùa Bồ Đề: "Kênh" trung gian cung cấp con nuôi?". Bài viết thông tin, chùa Bồ Đề là một "kênh" cung cấp con nuôi. Mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, người môi giới sẽ nhận được 5-7 triệu đồng tiền "lại quả" (?) Cũng có thông tin rỉ tai, nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng (?!)...Bài báo ngay lập tức đã khiến dư luận xôn xao.
Tuy nhiên ngay sau đó, Trụ trì chùa Bồ Đề, sư thầy Thích Đàm Lan đã khẳng định: Không có chuyện chùa Bồ Đề là kênh trung gian mua bán con nuôi.
Chia sẻ với báo Đời sống và pháp luật, sư trụ trì Thích Đàm Lan cho biết: "Sau khi nghe và đọc được thông tin đưa không khách quan gây ảnh hưởng đến uy tín nhà chùa như vậy, nhà chùa thấy rất buồn lòng. Nhà chùa nghĩ rằng làm việc gì cũng cần phải có tâm và có đức chứ không thể thích nói thế nào thì nói, làm thế nào thì làm. Nhà chùa nhận được rất nhiều chia sẻ của phật tử, du khách khắp nơi thể hiện những bức xúc liên quan đến những bài báo viết không đúng về nhà chùa. Nhà chùa dám khẳng định nếu làm sai sẵn sàng đi tù"...
Sự mất tích bí ẩn của những đứa trẻ?
Không chỉ khi bảo mẫu Nguyễn Thanh Trang bị bắt mới dấy lên nghi án buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, mà trong những năm gần đây nhiều người làm thiện nguyện ở chùa đã khẳng định, có nhiều em bé được chùa nhận về nuôi dưỡng nhưng mất tích bí ẩn.
Theo báo Phụ Nữ, chùa Bồ Đề có sự vòng vo, luẩn quẩn, tiền hậu bất nhất của ni sư Đàm Lan trong việc khai báo số lượng cho, nhận con nuôi cũng là một vấn đề nổi cộm. Đơn cử, theo báo cáo của UBND Q.Long Biên tại thời điểm tháng 5/2013, trẻ được nuôi tại chùa Bồ Đề là 121 trẻ, số lượng trẻ sơ sinh là 25. Tuy nhiên, tại biên bản cuộc họp ngày 17/7/2014, với các ban ngành chức năng địa phương, ni sư Đàm Lan khai báo số lượng hiện tại đang ở chùa là 106 trẻ, trong đó có 18 trẻ sơ sinh. Như vậy, con số khai báo trẻ sơ sinh so với hơn một năm trước (25 trẻ), lại hụt mất bảy bé mà không hiểu vì sao.
Theo báo Phụ Nữ, chị Nguyễn Bích Ngọc – người có thời gian dài làm công tác thiện nguyện cho biết: “Sư Đàm Lan không cho ai nhận con nuôi, nhưng mới đây, tôi tìm được người mẹ nuôi của một trong những đứa trẻ đã “biến mất” ở chùa. Nhiều đứa trẻ xinh xắn, đẹp đẽ mà chúng tôi bế ẵm trong lòng từ khi còn nhỏ, sau một thời gian bỗng dưng “biến mất” một cách khó hiểu”.
Theo chị Bích Ngọc, trong những đứa trẻ mất tích, có bé Tùng Anh (hay còn gọi là Khoai), chính là bé sơ sinh chưa rụng dây rốn được nhà chùa nhận nuôi cuối tháng 8/2007, đến đầu năm 2008 bỗng dưng "mất tích". Khi tìm hiểu thì được các cô chăm sóc và sư cô trả lời: cháu được mẹ ruột đón về. Nếu là mẹ ruột đến đón thì khi giao cháu, có sự chứng kiến hay báo cáo cấp chính quyền, công an nơi sở tại?
Đặc biệt, đầu năm 2013, anh Nguyễn Thành Long (trú ở quận Long Biên) có tham gia vào hoạt động Từ thiện tại chùa Bồ Đề và quen Trang. Cuối tháng 10/2013, anh Long nhận được tin nhắn của Trang với nội dung: có một bé sơ sinh được phát hiện ở cổng chùa, dây rốn chưa rụng, người bỏ rơi không để lại bất kỳ thông tin gì.
Chia sẻ với hoàn cảnh của bé, vợ chồng anh Long nhận đỡ đầu và đặt tên cháu là Cù Nguyên Công. Để có điều kiện chăm sóc Công, vợ chồng anh Long thường đưa đón cháu về nhà chăm sóc vài ngày rồi lại đưa sang chùa Bồ Đề.
Cuối tháng 12/2013, Trang bất ngờ gọi điện cho vợ chồng anh Long nói, sắp có đoàn kiểm tra đến nên phải đưa bé Công về chùa Bồ Đề ngay. Ngày 4/1, vợ chồng anh Long vào chùa đón Công đi khám bệnh thì biết bé không còn ở chùa.
Sau đó vợ chồng anh Long đã nhiều lần liên lạc với chùa Bồ Đề để hỏi rõ vụ việc cháu Công nhưng thông tin nhận được từ ni sư Đàm Lan và bảo mẫu Trang có nhiều mâu thuẫn và khuất tất. Do đó, anh Long đã gửi đơn kiến nghị tới một số cơ quan báo chí đề nghị xác minh. Sau đó, bé Công nghi bị bán với giá 35 triệu đồng.
Xác định có dấu hiệu một vụ mua bán trẻ em, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra. Hiện Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án.
H.Nguyên (Tổng hợp)