Thông tin Chùa Bồ Đề buôn bán, bỏ rơi trẻ em đang là sự việc được lan truyền và gây bức xúc trong dư luận. Trước những thông tin này, sư trụ trì chùa Bồ Đề đã chính thức lên tiếng.
Trụ trì chủa Bồ Đề khẳng định, hình ảnh mà bài báo đưa về một em bé bị bỏ rơi không phải là em bé trong nhà chùa.
Chùa Bồ Đề buôn bán, bỏ rơi trẻ em: Tiếng nói từ người trong cuộc
Những ngày qua, dư luận lại xôn xao một sự việc liên quan lến chùa Bồ Đề bỏ rơi trẻ mồ côi. Trước đó, những thông tin về chùa Bồ Đề làm “trung gian” mua bán trẻ em mồ côi tại chùa đã từng làm dậy sóng dư luận.
Chùa Bồ Đề buôn bán, bỏ rơi trẻ em đang là những thông tin khiến dư luận bức xúc và gây xôn xao.
Theo ni sư Thích Đàm Lan (sư trụ trì chùa Bồ Đề), chùa hiện đang cưu mang hơn 100 em bé bị bỏ rơi, hàng chục cụ già neo đơn, không nơi nương tựa…
Khi đề cập tới loạt những bài báo đưa tin về trường hợp một em bé bị nhà chùa bỏ rơi ở bệnh viện khi mới 9 ngày tuổi và bị thoát vị não, ni sư Thích Đàm Lan tỏ ra nhẫn nại lắng nghe.
Sư trụ trì Thích Đàm Lan trò chuyện với phóng viên về sự việc chùa Bồ Đề buôn bán, bỏ rơi trẻ em
Nhìn tấm ảnh em bé trong bài báo, sư thầy khẳng định: “Đây không phải là em bé trong nhà chùa. Những em bé được nuôi trong chùa đều được các cơ quan chức năng tới và chụp ảnh để lưu lại. Các cơ quan báo chí có thể kiểm tra. Đây hoàn toàn là thông tin sai sự thật”.
Ni sư cũng khẳng định, bài báo hoàn toàn thiếu tính logic và người đăng tải hình ảnh với những dòng thông tin trên mạng xã hội là có mục đích riêng.
Trước đó, vào năm 2013, một số bài báo cũng có đưa thông tin ám chỉ việc chùa Bồ Đề là “kênh trung gian” mua bán con nuôi. Mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, Công được "lại quả" 5-7 triệu đồng. Nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" vài chục đến vài trăm triệu từ cha mẹ nuôi.
Về điều này, sư trụ trì cho hay: “Là người hiểu biết thì có lẽ sẽ nhận ra sự vô lý trong bài báo này. Nội dung bài báo dẫn lời từ một người làm nghề chạy xe ôm ở cổng bệnh viện nhưng lại dám đưa lên báo”.
Sư thầy cũng khẳng định với báo chí rằng: "Từ trước tới nay, nhà chùa chưa từng cho người ngoài nhận xin con nuôi. Dù có đưa bao nhiều tiền thì chúng tôi cũng sẽ không đồng ý".
Sư thầy trải lòng: “Cha mẹ đã bỏ các con một lần nên tôi không nỡ bỏ thêm lần nữa. Rồi khi cha mẹ chúng tới đón thì biết làm sao?".
Trước những thông tin đang gây xôn xao dư luận, sư trụ trì chùa Bồ Đề cho biết: "Bản thân nhà chùa làm Từ thiện thật và tin vào Phật, không cầu điều gì cả. Tôi tin vào luật nhân quả, cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp nên bản thân tôi không muốn chia sẻ nhiều. Mọi việc sẽ có các cơ quan chức năng, công an làm việc".
Thực tế cuộc sống của trẻ em cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề
Chùa Bồ Đề là nơi đang cưu mang gần 200 em nhỏ và cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Mỗi đoàn khách tới thăm và làm từ thiện tại chùa Bồ Đề đều được các em nhỏ được nhà chùa nuôi ùa ra ôm chân, níu kéo, đòi quà…
Khi khách tới thăm và nói sẽ đưa cho các mẹ để chia thì các em nhao nhao: “Đừng đưa cho mẹ, các mẹ không cho ăn đâu!”.
Trưa nắng, trong những căn phòng chật chội chưa đầy 10m2 với chiếc chiếu rách nát, đồ dùng, vật dụng sơ sài…các mẹ đang thay tã cho những em bé đang khóc ngặt ngẽo, sặc cháo, trớ sữa, nằm ngổn ngang.
Một em bé bị sặc cháo được các mẹ trong chùa Bồ Đề chăm sóc.
Theo phản ánh, mỗi bà mẹ ở đây sẽ nhận nuôi khoảng 4-5 cháu và mỗi tháng được nhà chùa trả 2-3 triệu tiền công. Chị N (một bà mẹ được thuê chăm sóc trẻ tại chùa Bồ Đề) cho hay: “Tiền thuê các mẹ chăm sóc là nhà chùa chi trả, còn lại nuôi các cháu thì nhờ vào từ thiện với công đức”.
Tuy nhiên, sư trụ trì Thích Đàm Lan lại khẳng định điều trên là sai sự thật.
Sau một trận khóc ngặt ngẽo, em bé này được nhét bình sữa vào miệng để nín khóc.
Bên cạnh đó, nhiều người tới thăm các cháu tại chùa cho rằng, nhà chùa xây dựng quá quy mô và khang trang (nhà chùa đã xây dựng từ năm 2010 và tới nay vẫn chưa xong – PV) nhưng nơi ở của các cháu lại quá xập xệ và ẩm thấp.
Ni sư Thích Đàm Lan giải thích: "Để có được khu nhà dành cho các cháu, nhà chùa cũng đã phải bỏ ra khá nhiều tiền. So sánh giữa sự khang trang của nhà chùa và nơi ở của các cháu là một sự so sánh khập khiễng. Bởi chùa là nơi cho hàng ngàn người tới thăm viếng, cầu khấn…"
Theo Hồng Hạnh – Đỗ Hiền (Gia đình online)