Liên quan đến vụ công an dùng nhục hình, Viện KSND đề nghị mức án treo đối với bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP.Tuy Hòa.
Vừa qua, chiều 10/4, phiên tòa xét xử vụ án công an dùng nhục hình xảy ra tại Công an TP.Tuy Hòa (Phú Yên) làm Ngô Thanh Kiều (ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) tử vong.
Theo tin tức trên báo Tiền Phong, tại phiên tòa chiều 10/4, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên đề nghị Tòa tuyên phạt bị cáo Thảo Thành 7 – 8 năm tù (bản án sơ thẩm lần 1 phạt Thảo Thành 5 năm tù), tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quyền và bị cáo Phạm Ngọc Mẫn mỗi bị cáo từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù, bị cáo Quyền chịu án cao hơn bị cáo Mẫn một mức (bản án sơ thẩm lần 1 tuyên phạt bị cáo Quyền 2 năm tù, tuyên phạt bị cáo Mẫn 18 tháng tù), tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Quang 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù (bản án sơ thẩm lần 1 tuyên phạt bị cáo Quang 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng), tuyên phạt bị cáo Huy 2 năm đến 2 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (bản án sơ thẩm lần 1 tuyên phạt bị cáo Huy 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng), đều về tội “dùng nhục hình”.
Riêng đối với bị cáo Lê Đức Hoàn chỉ bị đề nghị mức án 9 – 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyên Phó trưởng Công an Tuy Hòa Lê Đức Hoàn. (Ảnh Tiền Phong)
Thừa nhận bắt giữ người trái luật
Theo nguồn tin trên báo Tuổi trẻ, trước đó, trong phần thẩm vấn sáng 10/4, nhiều nhân chứng là các công an có liên quan việc bắt giữ ông Ngô Thanh Kiều thừa nhận đến còng tay, bắt ông Kiều vào giữa khuya mà không hề có lệnh, quyết định bắt giữ theo như quy định.
Khoảng 3/30 ngày 13/5/2012, ông Lai tham gia cùng nhóm Công an TP Tuy Hòa, Công an xã Hòa Đồng đi kiểm tra nhà ông Kiều.
Tại đây, ông Nguyễn Hồ Chu Toàn (Công an TP Tuy Hòa) yêu cầu ông Lai còng tay Kiều lại rồi đưa về Công an xã Hòa Đồng làm việc. Ông Lai thừa nhận khi bắt Kiều không có lệnh gì.
Còn lời khai của Nguyễn Hồ Chu Toàn được tòa công bố cũng thừa nhận khi đến nhà ông Kiều dẫn giải thì không có lệnh, quyết định gì.
Còn thep lời khai của ông Toàn: “Từ khi bắt giữ ông Kiều đưa lên Công an xã Hòa Đồng đến khi đưa về Công an TP Tuy Hòa thì không ai chỉ đạo chúng tôi cho Kiều ăn uống gì. Chỉ khi Kiều xin nước uống thì chúng tôi đưa”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng Công an xã Hòa Đồng khai, khoảng 3h sáng 13/5/2012, ông Nguyễn Hồ Chu Toàn, Trương Quốc Dũng (Công an TP Tuy Hòa), Trần Phương Nam (Công an huyện Tây Hòa), Nguyễn Văn Lai… đến Công an Hòa Đồng yêu cầu ông đưa đến nhà Kiều để kiểm tra hộ khẩu.
Sau đó thì xảy ra việc còng tay, đưa Kiều về trụ sở Công an xã Hòa Đồng. Ông Thắng khai những việc làm trên không có lệnh, không có quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ông cũng thừa nhận việc kiểm tra hộ khẩu là không đúng pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng (bảo vệ cho gia đình ông Kiều) cho rằng lời khai của các bị cáo khác đã bị thay đổi và bị “tác động có thế lực nào đó” để bất lợi cho thân chủ ông.
Trong phần bào chữa, luật sư Nguyễn Văn Thắng đã đưa ra 6 luận cứ để bảo vệ bị cáo Thành.
Thứ nhất, luật sư Thắng cho rằng cáo trạng số 49 ngày 21/11/2014 của VKSNDTC vi phạm quy định tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng hình sự, không phân tích đầy đủ những chứng cứ xác định có tội của các bị cáo tại ngoại, cố tình bao che, bênh vực cho các bị cáo này bằng cách chấp nhận những lời khai sai sự thật.
Thứ hai, cáo trạng vi phạm quy định tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng hình sự, bỏ qua toàn bộ những chứng cứ xác định không có tội của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, không chứng minh được động cơ mục đích phạm tội, cố tình kết tội Thành dù không có chứng cứ pháp lý.
Thứ ba, cáo trạng đã cố tình sử dụng “Bản giám định pháp y làm chứng cứ”, trong Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật về giám định tư pháp không có khái niệm này, vi phạm pháp luật cả hình thức lẫn nội dung, có dấu hiệu làm sai lệch và cung cấp tài liệu sai sự thật, đánh tráo mẫu phủ tạng giám định, có những kết luận phản khoa học.
Thứ tư, cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều điều “phi lý” trong việc chứng minh cơ chế hình thành các vết thương trên người nạn nhân là do vật gì gây ra? Và ai là người gây ra các vết thương này? Nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Thứ năm, tất cả các giai đoạn tố tụng đều vi phạm pháp luật, kể cả giai đoạn tiền tố tụng, có dấu hiệu mớm cung, dụ cung, sửa chữa lời khai, tiêu hủy chứng cứ, trao đổi chứng cứ.
Thứ sáu, về tội danh “dùng nhục hình”, luật sư Thắng cho rằng chủ thể của tội phạm là “chủ thể đặc biệt”, được xác định bằng một quyết định của cơ quan nhà nước được thể hiện bằng văn bản, trong vụ này không có văn bản nào xác định chủ thể của tội “dùng nhục hình”.
Với những luận điểm này, luật sư Thắng đề nghị HĐXX không ra bản án sai pháp luật, không để lọt tội phạm. Luật sư Nguyễn Văn Thắng còn đề nghị tòa khởi tố điều tra các tội khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, làm sai lệch hồ sơ vụ án và tội cố ý gây thương tích theo Đều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo báo Lao Động đưa tin.
PV