Ngày 22/3, trên báo Người lao động dẫn lời một vị lãnh đạo UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho biết dự kiến chiều nay 23/3, Công an TP Uông Bí sẽ triệu tập bà Phạm Thị Yến - người rao giảng vong báo oán ở chùa Ba Vàng - lên làm việc khi có đủ chứng cứ xác đáng.
UBND TP Uông Bí yêu cầu Công an TP tiếp tục củng cố chứng cứ, đồng thời dựa trên các video, clip của Báo Lao động phản ánh để xác minh toàn bộ danh sách những người xuất hiện trong video.
Đặc biệt là những người vong nhập, những người rao giảng vong báo oán; kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng và các hoạt động của những người liên quan tại chùa để làm rõ.
“UBND TP Uông Bí vừa chỉ đạo Công an TP, nếu đủ chứng cứ thì chiều mai (23/3) phải triệu tập bà Phạm Thị Yến (người rao giảng vong báo oán) lên để xác minh, làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ việc”, trên VTC News dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) thông tin.
Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho rằng: Đây là việc làm huyễn hoặc tâm linh, người ta che giấu từ đầu hệ thống, kiểm soát, khám túi, khám người, cảnh giới như thế nên nếu không có phóng sự điều tra của báo chí thì mình cũng khó mà biết được. Đây là cơ hội để làm trong sạch lại hoạt động tại chùa Ba Vàng.
"Bây giờ họ làm tinh vi đến mức độ, họ bảo là số tiền thì do vong gọi, còn bỏ tiền vào đó là cúng dường Tam Bảo. Nhà chùa không nhận trực tiếp mà ghi tên vào phong bì rồi bỏ vào hòm công đức. Đây là hành vi rất tinh vi để tránh trách nhiệm, khó buộc tội được", ông Hà chia sẻ thêm.
Trước đó, trong một số video trên mạng xã hội, bà Phạm Thị Yến (phật tử chùa Ba Vàng) giảng giải trước nhiều phật tử rằng nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên mang ác nghiệp trong tiền kiếp và duyên hiện tại sát sinh nên bị quả báo.
Những giải thích phản khoa học này của bà Yến đã khiến dư luận rất bất bình, bức xúc.
Nhìn nhận vụ rao đổi với PV, luật sư Giang Hồng Thanh (Hà Nội) cho rằng, các phát ngôn của bà Phạm Thị Yến trong đoạn clip, nếu gia đình nữ sinh Cao Thị Mỹ D. cảm thấy bị tổn thương, hoàn toàn có quyền yêu cầu bà Yến xin lỗi, bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được, mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
"Trong trường hợp bà Yến không chấp nhận, gia đình có quyền khởi kiện bà Yến để yêu cầu Tòa án buộc bà Yến phải xin lỗi, bồi thường", luật sư Thanh chỉ rõ.