Sự việc cháu L.H.L, học sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway bị bỏ quên trên xe đưa đón và tử vong đang gây phẫn nộ trong dư luận. Cụ thể, sáng 6/8, vào lúc 7h, vợ chồng anh Lê Văn Sơn, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đưa con trai đến điểm đưa đón học sinh của trường ở Yên Hòa. Đây là buổi thứ hai cháu L đi học tại trường.
Đến khoảng 16h cùng ngày, vợ anh Sơn nhận được điện thoại từ giáo viên chủ nhiệm, nói không thấy cháu L tới lớp học, một lát sau, anh Sơn nhận được tin con đang cấp cứu trong Bệnh viện E. Khi gia đình tới bệnh viện thì cháu L đã tử vong. Anh Sơn cho biết bác sĩ nói cháu L mất trước khi tới bệnh viện, một số giáo viên cũng thừa nhận đã để quên cháu trên xe.
Đại diện Công an quận Cầu Giấy cho biết nguyên nhân ban đầu cháu bé thiệt mạng được xác định là do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway. Công an cùng các cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ vụ việc.
Trả lời phỏng vấn báo An ninh tiền tệ, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đây là vụ việc rất thương tâm xảy ra từ việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm kiểm tra, kiểm đếm khi đưa đón các cháu học sinh đến trường bằng phương tiện ô tô dẫn tới để quên cháu bé nằm dẫn đến tử vong.
Báo VTC News cũng dẫn lời một số luật sư để nêu quan điểm về vụ việc này. Luật sư Trần Tuấn Anh (đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, vụ việc có dấu hiệu hình sự, đồng thời phải giải quyết cả theo pháp luật dân sự. Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông Luật) cho rằng, trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên ở đây là cô giáo, người đã trực tiếp đón nhận cháu bé. Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cũng đồng tình rằng đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có liên quan.
Tùy theo kết quả điều tra và thu thập chứng cứ, hành vi của cô giáo trực tiếp đưa đón cháu L có dấu hiệu Vô ý làm chết người hoặc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Khoản 1 Điều 128 BLHS quy định:
Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Khoản 1 Điều 360 BLHS quy định:
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.