Liên quan đến sai phạm của Tập đoàn Khai Silk, Bộ Công Thương vừa có quyết định về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Dân trí, VOV và Infonet, ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã kí Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những sai phạm của Tập đoàn Khai Silk.
Đoàn sẽ thực thi nhiệm vụ kiểm tra tại Công ty TNHH Khải Đức có địa chỉ trụ sở chính tại số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.
Cửa hàng 113 Hàng Gai, Hà Nội hiện đang là tâm điểm của vụ bê bối bán khăn lụa trộn lẫn hàng Trung Quốc của Tập đoàn Khaisilk. Ảnh: Dân trí |
Đoàn kiểm tra do ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương làm trưởng đoàn. Các thành viên khác bao gồm lãnh đạo các Cục Quản lý thị trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Hội bảo vệ người tiêu dùng...
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật có liên quan, xử lý và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước liên quan.
Trước đó, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cũng đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan, nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sau khi kiểm tra tại cửa hàng KhaiSilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho thấy, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên các nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn KhaiSilk "Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.
Chủ cửa hàng khai nhận, tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc bà Nga đã tự nguyện giao nộp cho Đoàn kiểm tra. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Lê Vy (tổng hợp)