Với mức phí BOT như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải cho rằng như vậy sẽ thua lỗ nặng nên đề nghị các cơ quan chức năng miễn giảm, để tránh tình trạng xe trốn trạm đi tắt theo đường dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ Tai nạn giao thông.
Đường 380 (đường 196 cũ) đoạn qua huyện Văn Lâm, Hưng Yên bị hư hỏng nặng do nhiều phương tiện tránh BOT Quốc lộ 5. Ảnh: FB |
Theo tin tức trên TTXVN, An ninh thủ đô, ngày 8/9, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đã họp bàn đưa ra các giải pháp tháo gỡ.
Trên tuyến đường này xuất hiện nhiều hố lớn, hậu quả của việc xe tải, xe container thường xuyên lưu thông và cũng là nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông đối với người dân. Ảnh: FB |
Qua báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, từ ngày 4 -7/9, tại trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5, thuộc địa phận xã Lạc Hồng, Văn Lâm xuất hiện tình trạng có nhiều lái xe dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí rồi quay đầu xe tiếp tục trả phí bằng lẻ ở chiều ngược lại.
Ngoài ra, còn có hiện tượng làm ô tô chết máy, tự chọc thủng lốp… để các phương tiện khác không lưu thông được, gây ùn tắc giao thông. Nhiều lái xe cho biết họ buộc phải làm vậy là do mức thu phí quá cao.
Các doanh nghiệp vận tải bức xúc cho rằng, với mức phí như hiện nay, doanh nghiệp thua lỗ nặng nên đề nghị các cơ quan chức năng miễn giảm, để tránh tình trạng xe trốn trạm đi tắt theo đường dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh - chủ doanh nghiệp du lịch Quang Vinh đóng trên địa bàn huyện Mỹ Hào, phí tăng đã gây chi phí lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, một xe tải chở hàng từ cảng Đình Vũ đến Đông Anh chỉ thu được 2,5 triệu đồng tiền cước, trong khi vé qua các trạm thu phí đã ngốn hết 1,8 triệu đồng, chưa kể xăng và hao mòn xe thì không doanh nghiệp nào chịu nổi. Ông Vinh đề nghị miễn vé cho xe dưới 7 chỗ và xe của người dân khu vực lân cận trạm thu phí; hoặc di dời trạm thu phí đến vị trí khác cho hợp lý. Mặt khác, muốn giảm tải Quốc lộ 5, phải giảm phí tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thu hút xe tải, xe khách.
Chia sẻ vướng mắc với các doanh nghiệp vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu đề xuất các giải pháp để các bộ, ngành của trung ương xem xét có phương án giảm giá thu phí, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Vidifi và các phương tiện chịu phí. Đồng thời, miễn giảm phí cho phương tiện giao thông ở các khu vực trong bán kính 5 km quanh trạm thu phí ở một số xã thuộc các huyện: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Giang.
Về lâu dài, Người đứng đầu UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét phương án di dời trạm thu phí số 1 QL 5 về điểm giáp ranh giữa Hưng Yên với Hà Nội hoặc Hưng Yên với Hải Dương, nhằm khắc phục tình trạng xe trốn trạm, gây thất thoát nguồn thu và phá hỏng đường dân sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, không dùng tiền lẻ làm công cụ gây ùn tắc giao thông tại các trạm kiểm soát vé trên địa bàn.
"Công an tỉnh bằng các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, điều tra, làm rõ sai phạm của các đối tượng, chủ phương tiện có dấu hiệu cấu kết, gây rối, kích động, lôi kéo nhân dân tham gia tụ tập làm mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ, cố tình làm ùn tắc giao thông, có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp sai phạm", ông Phóng nhấn mạnh.
Trước phản ứng của lái xe đối với trạm BOT QL 5, ông Phạm Văn Bổn - Phó Tổng giám đốc Vidifi cho rằng, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT không vì mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, Vidifi được giao làm chủ đầu tư dự án và được giao quyền thu phí QL 5 từ năm 2009 cho đến hết thời gian BOT.
“Việc giao Vidifi quyền quản lý thu phí 2 trạm QL 5 thực chất là một khoản vốn góp của Nhà nước vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Hiện nay, Vidifi chỉ là thu hộ Chính phủ, vì đây được xem như khoản tiền đối ứng của Nhà nước bỏ ra để làm dự án cao tốc”, ông Phạm Văn Bổn cho biết.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Vidifi, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào dự án khoảng 29% tổng mức đầu tư, trong đó hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng trên 4.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
“Việc đầu tư xây dựng dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bao gồm hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp (thu phí QL 5, chi phí GPMB…) và hình thức BOT (thu phí cao tốc, quảng cáo, dịch vụ trên cao tốc…). Việc dư luận cho rằng, “BOT một đường nhưng thu phí một đường khác” là chưa chính xác”, ông Phạm Văn Bổn nói.
Theo Vidifi, nguồn thu phí QL5 từ năm 2009 đến nay chủ yếu để thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa QL5, chưa hỗ trợ được cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo quy định. QL5 hiện đã xuống cấp nặng nề và đều đã quá thời hạn đại tu. Dự kiến, cần phải đầu tư từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng thì mới sửa chữa căn bản những hư hỏng hiện hữu. Với mức thu phí như hiện nay thì Doanh thu thu phí QL5 cơ bản đáp ứng được việc sửa chữa QL5 trong thời gian tới.
Liên quan đến giải pháp xử lý tại trạm BOT QL5 trong thời gian tới, đại diện Vidifi cho hay, đơn vị đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chờ ý kiến chỉ đạo. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, phương án xử lý đã được Vidifi gửi tới Chính phủ. Sau khi Chính phủ chỉ đạo, Tổng cục và Vidifi sẽ triển khai.
Trong phương án xử lý có nội dung, sẽ xem xét việc giảm phí tại trạm này cùng với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc theo chủ trương của Chính phủ. “Hình thức thu phí hở không thể đảm bảo công bằng đối với 100% đối tượng tham gia. Bởi vậy, rất mong người dân chia sẻ và ủng hộ, việc thu phí trên QL5 của nhà đầu tư hiện tại chính là thu hộ tiền đối ứng của Chính phủ vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Huyện bày tỏ.
Đức Hòa (tổng hợp)