Vụ án thẩm mỹ viện Cát tường sẽ thế nào nếu Nguyễn Mạnh Tường chuyển sang tội danh "giết người". Lúc này, thêm những ai bị khởi tố?
Xem thêm: Toàn cảnh vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường
Liên quan đến việc gia đình Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú ở xóm 6, phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chủ thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường vứt xác phi tang bệnh nhân xuống sông kháng cáo toàn bộ bản án 19 năm tù đối với bị cáo này, bà Hiền – mẹ nạn nhân vụ TMV Cát Tường cho hay, gia đình bà cũng đang chờ phía tòa án xem xét để sớm tiến hành xét xử lại.
Trong đơn kháng cáo, Nguyễn Mạnh Tường ghi rõ: “Việc xét xử tôi là chưa đúng tội danh, làm cho tội chồng thêm tội và tuyên phạt tôi quá nặng. Cáo trạng có nhiều điểm không đúng. Tôi kháng cáo toàn bộ bản án”.
Trước đó, sau hai ngày đưa vụ án ra xét xử công khai (4 và 5/12/2014), TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, 5 năm tù về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, tổng hợp hình phạt là 19 năm tù.
Bị cáo Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, 9 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt là 33 tháng tù giam.
Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu Tường phải bồi thường hơn 585 triệu đồng chi phí tổn thất tinh thần, mai táng cho gia đình nạn nhân.
Hai bị cáo Tường, Khánh trong phiên sơ thẩm.
Bị cáo Tường có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chị H. 1 triệu đồng/tháng/cháu cho đến khi đủ 18 tuổi. Tường còn bị cấm hành nghề 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Lý do chỉ khởi tố 2 đối tượng
Trong vụ án này những người liên quan gồm có vợ Tường, bác sĩ Nguyễn Quang Thành và nhân viên khác biết Tường hút mỡ, nâng ngực cho chị H gây hậu quả nạn nhân tử vong song cũng không tố cáo. Hành vi của những người này là hành vi không tố giác tội phạm nhưng không cấu thành tội phạm.
Theo đó, việc cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột có hành vi che giấu, không tố giác tội phạm nhưng không thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng thì được miễn trách nhiệm hình sự. Đây cũng là một Chính sách nhân đạo mà cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều. "Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng" - Khoản 2, điều 314 (Tội không tố giác tội phạm). Theo đó, vợ Tường được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là đúng quy định.
Do hành vi này của Tường phạm vào điều 242 tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246. Mà theo quy định của pháp luật về tội danh “Tội che giấu tội phạm” (Điều 313 Bộ Luật hình sự) và "Tội không tố giác tội phạm" (Điều 314 Bộ Luật hình sự) những người liên quan được miễn trách nhiệm hình sự vì không tố giác tội phạm là hợp lý. Những người này cũng không bàn việc ném xác nạn nhân H xuống sông Hồng thì không thể truy tố tội đồng phạm giúp sức xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được.
Tuy nhiên, dù hành vi không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng việc làm của họ là "vi phạm pháp luật, gây cản trở cho hoạt động điều tra phát hiện tội phạm của cơ quan điều tra". Vì thế rất có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về việc “cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức".
Phải làm rõ vai trò của phó giám đốc TMV Cát Tường
Trong phiên tòa sơ thẩm (4 và 5/12/2014), các nhân viên của TMV Cát Tường được triệu tập đến với tư cách là người làm chứng. Qua phần đối chất và xét hỏi tại công đường khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến vai trò của bà Lê Thị Thùy Mai, cựu Phó Giám đốc TMV Cát Tường, sự "xuất hiện bí ẩn" của hai người bạn bà Mai ngay sau khi chị H. tử vong...
Tại phiên tòa, Khánh khai: "Sau khi bị cáo và anh Tường mang xác chị H. đi, chị Mai và chị Trâm có bảo bị cáo lục phiếu thu của chị H., cầm về đưa cho chị... Chị Mai còn bảo bị cáo đi mua phiếu thu mới điền tên nhiều khách hàng". Đối chất về việc này, Phó Giám đốc Mai giọng ấm ức, chối: "Đúng là tôi bảo Khánh đi tìm phiếu thu, nhưng là để liên lạc với gia đình nạn nhân chứ còn hủy, làm giả là do anh Tường chỉ đạo".
Mai thừa nhận, chỉ đạo nhân viên ném các camera, ổ cứng xuống hồ nhưng lại "đổ" rằng "mọi sự chỉ đạo của tôi đều là từ anh Tường". Trong khi đó, Khánh tiếp tục khai: "Khi sự việc xảy ra, chị Mai bảo bị cáo và hai người làm tại Cát Tường là Công và Long mang Xe máy của chị H. đi kéo lê trên đường, "tạo ra vết xước" để giả vụ Tai nạn giao thông, tuy nhiên, do có thanh chắn bảo vệ nên xe không xước".
Việc này, Mai không thừa nhận... Mai nói: "Tôi quá lo lắng, hoảng loạn nên có gọi cho hai người bạn đến". Ngoài ra, trong vụ án trên, bà Hằng - vợ cựu bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường cũng là người biết vụ việc đã xảy ra. Trước tòa, bà Hằng thừa nhận, có tham gia các cuộc bàn luận, cùng chồng ngồi trên xe ô tô chở xác chị H. đi phi tang, chứng kiến các hành vi phạm tội của Tường nhưng lại không tố giác với cơ quan chức năng.
Trong khi bị cáo Khánh và các nhân viên TMV Cát Tường khai, việc họ thu dọn phòng phẫu thuật nơi chị H. tử vong, tháo các camera tại TMV Cát Tường đem ném xuống hồ, mang xe máy của chị H. đi tạo vết xước làm hiện trường giả tai nạn giao thông... là do Mai chỉ đạo thì Mai lại khai "tất cả là do Tường đứng sau chỉ đạo".
Ngược lại, Nguyễn Mạnh Tường, cựu Giám đốc TMV Cát Tường đã phủ nhận toàn bộ "vai trò chỉ đạo" của mình như lời bà Mai khai tại tòa, hầu như cái gì cũng "không biết, không nhớ". Tường lập luận: "Khi bị cáo nhận được thông tin chị H. bị sốc nên quay về TMV Cát Tường thì đã thấy nhân viên đang dọn dẹp đồ đạc đi, sao lại nói bị cáo chỉ đạo?!... Thậm chí, ở đó còn có mặt em của Mai, làm sao bị cáo chỉ đạo được em của Mai?... Việc đem xe đi tạo vết xước, bị cáo không hề biết. Còn ổ cứng máy tính thì làm sao mà phải mang đi vứt?".
Về những lời khai "đối nghịch" nhau trước tòa, HĐXX đã chưa làm rõ khiến dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn, đặt dấu hỏi nghi vấn.
Những ai có thể bị khởi tố nếu Tường bị thay đổi tội danh?
Trong phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Vũ Gia Trưởng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại cho rằng: Phải chuyển Tường sang tội Giết người mới đúng. "Dù không được cấp phép nhưng Tường vẫn làm phẫu thuật thẩm mỹ, quy trình không đúng... Khi định làm giả một vụ tai nạn giao thông, các đối tượng đã và đang thực hiện việc phi tang xác", ông Trưởng nói thêm.
Vậy, sẽ thế nào nếu Nguyễn Mạnh Tường bị chuyển sang tội danh "giết người". Thêm những ai bị khởi tố?
Những người liên quan gồm có vợ Tường, bác sĩ Nguyễn Quang Thành và nhân viên khác biết Tường hút mỡ, nâng ngực cho chị H gây hậu quả nạn nhân tử vong song cũng không tố cáo.
Điều 314 BLHS: Tội không tố giác tội phạm
“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”
Như vậy, hành vi của những người trên là hành vi không tố giác tội phạm. Nếu Nguyễn Mạnh Tường được xác định là giết người thì bác sĩ Nguyễn Quang Thành và nhân viên khác biết Tường hút mỡ, nâng ngực cho chị H có thể bị khởi tố tội không tố giác tội phạm.
Còn với trường hợp Nguyễn Thị Hằng (Vợ của Nguyễn Mạnh Tường), theo bản cáo trạng VKSND Hà Nội xác định: Trên đường đi, Nguyễn Thị Hằng đã ngăn cản việc vứt xác nạn nhân nhưng cả Tường và Khánh đều không đồng ý. Sau khi lên cầu Thanh Trì vứt xác nạn nhân, Tường lái xe đưa Khánh và vợ về nhà. Do đó, Nguyễn Thị Hằng có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Theo nội dung bản cáo trạng VKSND Hà Nội chuyển sang TAND Hà Nội ngày 16/10: Trưa 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh H đi xe máy đến thẩm mỹ viện Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ theo hợp đồng đã thỏa thuận trước. Nhân viên thẩm mỹ viện đã đưa chị H vào phòng thử HIV và thử phản ứng thuốc tê thấy bình thường. Đến 12h30, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường yêu cầu nhân viên pha 5 lọ thuốc gây tê, thử phản ứng thấy bình thường liền tiêm thuốc gây tê để tiến hành ca mổ. Khi ca mổ kết thúc, chị H được đưa ra ngoài phòng chờ. Khoảng 30 phút sau, thấy chị H có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép, bác sĩ Tường tiêm cho chị H một mũi thuốc an thần loại Diafegam 10mg. Thấy chị H bình thường, ông Tường đi lễ cùng bạn tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Đến khoảng 17h45 cùng ngày, thấy chị H có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, không đo được huyết áp, nhân viên thẩm mỹ viện đã gọi điện cho bác sĩ Tường và được chỉ định tiêm cho chị H hai ống thuốc trợ tim loại Adrenalin 2ml và hai ống thuốc chống dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy. Sau đó, Tường quay về thẩm mỹ viện, đồng thời gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Quang Thành (bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai) đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để cấp cứu cho chị H cùng Tường nhưng không có kết quả. Sau khi chị H tử vong, Tường gọi điện thoại báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng và các nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường biết, đồng thời bảo nhân viên thu dọn đồ đạc gồm máy tính, camera, sổ sách, các dụng cụ y tế... mang đi chỗ khác gửi và phi tang. Khoảng 23h30, Nguyễn Mạnh Tường đã cùng Đào Quang Khánh đem thi thể chị H lên ôtô đưa đến Bệnh viện Bưu điện nhưng thấy có nhiều người và do thi thể chị H bị cứng nên không dám mang vào gửi. Đào Quang Khánh khi đó cầm theo túi xách và lái xe Lead của chị H đi theo thấy thế liền nói không đưa xác vào bệnh viện mà mang ném xuống sông. Tường đồng ý nên đã lái ôtô chở xác chị H, Đào Quang Khánh chở Nguyễn Thị Hằng đi theo sau. Trên đường đi, Nguyễn Thị Hằng đã ngăn cản việc vứt xác nạn nhân nhưng cả Tường và Khánh đều không đồng ý. Sau khi lên cầu Thanh Trì vứt xác nạn nhân, Tường lái xe đưa Khánh và vợ về nhà. Riêng Khánh lợi dụng lúc mọi người không để ý đã lấy trộm chiếc điện thoại iPhone 5 của nạn nhân Lê Thị Thanh H trị giá 12 triệu đồng. Ngày 21/10/2013, Tường và Khánh bị bắt. Suốt nhiều tháng sau đó, dù nhà chức trách và gia đình chị H nỗ lực tìm kiếm nhưng xác thiếu phụ vẫn bặt tăm. Ngày 17/8, phần thi thể không toàn vẹn chị H được một dân chài phát hiện dạt vào bờ tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. So với bản cáo trạng trước, bản cáo trạng mới này có sự điều chỉnh điều khoản của tội danh truy tố bị can Tường ở khung hình phạt cao hơn. Cụ thể, cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242, khoản 3 - Bộ luật Hình sự. Riêng bị can Đào Quang Khánh bị truy tố về 2 tội danh, gồm tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138, khoản 1 Bộ luật Hình sự. Bản cáo trạng cũng xác định, do có hành vi ngăn cản chồng ném xác nạn nhân nên Nguyễn Thị Hằng được xác định không phạm tội. Đối với một số nhân viên trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp Tường Phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị H là tội phạm thực hiện với lỗi vô ý nên không có căn cứ xử lý đồng phạm. Đối với bác sĩ Nguyễn Quang Thành được Tường gọi đến giúp cấp cứu chị H nhưng nạn nhân tử vong, cơ quan điều tra xác định bác sĩ Thành biết sự việc nhưng không tố cáo với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hành vi này không cấu thành tội danh nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự. |
Theo Kim Thành/ Đời sống & Pháp luật