Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật những điều xoay quanh mâm ngũ quả, biểu tượng đặc biệt của Tết Nguyên đán của người Việt Nam nhé.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Vào dịp Tết Nguyên đán, bàn thờ gia tiên của bất cứ gia đình Việt Nam nào cũng không thê thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có chừng 5 loại quả khác nhau, được đặt trên ban thờ gia tiên. Các loại trái cây thể hiện ước nguyện của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp. Ngày nay, mâm ngũ quả mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh.
Để nói về ý nghĩa mâm ngũ quả, chúng ta có thể phân tích từng phần như sau. Chữ ngũ (số 5) là biểu tượng chung của sự sống. Ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùn thờ cúng. Ở các nước nông nghiệp, ngũ quả có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân.
Quả là biểu tượng cho sự sung túc qua cấu tạo của nó: bên trong có hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy là vũ trụ. Ý nghĩa là sự sinh sôi, trường tồn, tái sinh bất tận của sự sống. Mỗi loại quả sẽ lại có ý nghĩa riêng theo hình dáng, cấu tạo, hương vị, màu sắc và cách đọc tên.
Màu sắc của mâm ngũ quả thường tuân theo ngũ hành. Những loại quả thường được bày trên mâm ngũ quả mang các màu sắc được cho là có tính may mắn như màu đỏ (may mắn phú quý), màu vàng (sung túc)…
Về hình dáng cấu tạo, các loại quả được chọn có tính chất gợi điều tốt lành. Chẳng hạn như lựu nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn, bưởi và dưa hấu căng tròn, mát lạnh trong ruột sẽ hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống. Các loại quả được bày trên mâm ngũ quả phải có vị ngọt, thơm và không đắng, cay.
Cách đọc tên các loại quả cũng gợi lên sự sung túc, chẳng hạn như theo quan niệm của người miền Nam, "dừa" hay "dưa" gần âm với "vừa"; đu đủ là "đủ", xoài gần âm với "xài" (tiếng Nam, có nghĩa là "dùng"), mãng cầu là "cầu", sung là "sung túc". Một mâm ngũ quả miền Nam có: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung đọc thành "cầu vừa đủ xài sung" hay "cầu sung vừa đủ xài".
Ý nghĩa một số loại quả được bày trên mâm ngũ quả:
Hồng, quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Lê (hay mật phụ): ngọt, thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
Đào: thể hiện sự thăng tiến.
Mai: con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
Táo (loại trái to màu đỏ tươi): mang ý nghĩa phú quý.
Thanh long: ý rồng mây gặp hội.
Quả trứng gà có hình trái đào tiên: lộc trời.
Dừa: có âm tương tự như là “vừa”, có nghĩa là không thiếu.
Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
Đu đủ: mang đến sự đầy đủ, thịnh vượng.
Xoài: có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.