Cô quát nặng lời: “Anh đúng là hà tiện, vắt cổ chày ra nước!”. Minh đứng dậy đá cái ghế đổ rầm rầm tức giận: “Cái nhà cô ra vào hàng ngày mua từ tiền hà tiện đấy!".
Ngày yêu Minh, cô đã biết Minh không được rộng rãi, phóng khoáng như nhiều đàn ông khác. Tính tiết kiệm của Minh đôi khi làm cô buồn lòng. Nhưng công bằng mà nói, ngoài điểm trừ đó Minh có rất nhiều điểm cộng như: hiền lành, chăm chỉ, không thuốc lá, rượu chè, tu chí làm ăn.
Yêu nhau hơn năm, Minh ngỏ lời với cô: “Mình cưới nhau cho ổn định cuộc sống. Ăn cơm một mình giờ anh thấy cô đơn lắm!”. Nghe Minh nói cô vui, nhưng trong lòng thoáng chút đắn đo, tất cả cũng chỉ bởi tính tiết kiệm của Minh.
Mẹ cô khi nghe Minh nói cưới thì giục: “27 tuổi không cưới, mày đợi đến bao giờ. Thằng Minh mẹ thấy được. Nhìn bố mày đấy, rộng rãi phóng khoáng cho lắm, tháng cầm về cho mẹ được đồng nào. Tiền ông vung vãi thiên hạ hết. Mình mẹ bao năm nay tự vun vén lo toan. Nhìn gương mẹ mà thấm. Tính nó thế sau vợ con được nhờ”.
Cô nghĩ mẹ nói cũng đúng, dù sao sự tiết kiệm của Minh vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được. Cô lấy tờ giấy chia hai cột, viết rõ ràng từng ưu khuyết điểm của Minh. Đúng thật ngoài khoản chi ly ra, Minh không có điểm gì đáng chê trách. Cô gật đầu đồng ý cưới.
"Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm...”. Anh nhắc cô làm cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ chi tiêu hàng ngày để anh tiện theo dõi (Ảnh minh họa).
Chuẩn bị đám cưới, Minh bàn với cô: “Chọn gói chụp ảnh cưới rẻ không lãng phí, ảnh đẹp mấy ngắm cũng chán thôi. Nhẫn cưới chọn đôi bình thường em ạ, vợ chồng đeo đẹp mặt hình thức, mua nhẫn đắt để lâu mòn hết giá trị”. Cô tủi thân trong lòng, Minh chẳng nghĩ cho cô, con gái ai không mong mọi thứ được đẹp, hoàn hảo trong ngày vui quan trọng đời mình.
Về sống chung với nhau cô mới thực sự biết tính siêu tiết kiệm của Minh. Lúc yêu chắc anh cố gắng che giấu bớt. Lương tháng đúng ngày anh để vào tủ, đếm kỹ cẩn thận. Thấy ví của Minh không bao giờ có hơn 100 nghìn, cô nhắc: “Anh cầm thêm, phòng xe hỏng hay việc gì đột xuất còn dùng”. Minh chậm rãi: “Cầm anh sợ tiêu vào việc không cần thiết như nhậu nhẹt với mấy thằng trong phòng. Thôi coi như không có tiền, muốn tiêu gì biết kiềm chế bản thân”.
Quần áo Minh sờn cũ, cô bỏ đi, anh nhặt treo lại vào tủ. Biết tính chồng, cô tự mua quần áo mới cho anh, đợi anh chẳng biết đến bao giờ. Nhưng Minh khó chịu: “Em không hiểu gì cả, con trai cần gì bề ngoài, xuề xòa giản dị thôi, em trả họ đi. Sau đừng tự ý làm việc vớ vẩn vô ích”. Những lúc hai vợ chồng đi đâu dịp quan trọng, cô buồn rầu nhìn Minh trong bộ độ nhàu nhĩ, bạc màu.
Chồng như thế, thích làm đẹp nhưng cô đâu dám váy vóc, quần áo nhiều. Mặc diện đi cùng chồng nhìn khập khiễng quá, mọi người lại cười cô làm vợ không biết nâng khăn sửa túi cho chồng”. Thỉnh thoảng sắm đồ, cô phải nói dối người này cho, người kia tặng, mua hàng sale off 50% cho Minh đỡ xót.
Trong bữa ăn hàng ngày, Minh để ý từng tí. Anh căn vặn cô: “Em mua nhiều thịt quá ăn sao hết? Con cá này mấy kg? Đừng mua mướp đắng mùa này, trái mùa đắt lắm! Ăn không cần ngon quá, bữa cơm hai vợ chồng chỉ món mặn và món canh là đủ. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm...”. Anh nhắc cô làm cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ chi tiêu hàng ngày để anh tiện theo dõi.
Cô lỡ tay rót nhiều nước mắm, Minh cũng cằn nhằn: “Nhiều thế, chấm hết bao nhiêu, đừng lãng phí. Nước mắm cũng là tiền cả, tích tiểu thành đại. Mắm, muối, mì chính tiết kiệm hết”. Cô bực mình, nào cô hoang toàng không biết vun vén gì cho cam mà anh cứ săm xoi.
Cô lớn tiếng: “Anh bo bo giữ tiền, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Kiếm tiền để phục vụ cuộc sống sướng hơn, không cực khổ kiếm tiền làm gì? Anh chết có mang theo tiền được không?”. Mặt đỏ bừng bừng, Minh quát: “Sống biết nay không biết mai như em thì cả đời không có nhà to để ở, không có ô tô mà đi!”.
Đồ dùng trong nhà, Minh chỉ sắm sửa mấy thứ rẻ tiền nên cái nồi cơm điện dùng không lâu đã hỏng, tủ lạnh kêu rè rè, chảo rán mấy lần đã bong hết lớp chống dính…. Cái gối, chăn, đệm nằm của vợ chồng mới mua cũng đã mềm oằn oặt xẹp hết cả bông, nằm đệm mà như không. Cô góp ý bao lần Minh không nghe.
Tết, cô chu đáo mua bao quà cáp cho bên nội, biếu tiền các cụ tiêu thoải mái. Nhưng đợi mãi không thấy Minh biết ý nhắc vợ quà cho bố mẹ vợ, cô hỏi: “Mình mua ít quà và chai rượu ngon biếu bố anh nhé?”. Minh thẳng thừng: “Giờ mình đã là vợ chồng, không cần những thủ tục quà cáp khách sáo quá em ạ!”. Cô nóng hết mặt, chẳng lẽ tết vợ chồng cãi nhau, mặt nặng mày nhẹ thì không ra làm sao.
Cô đưa anh 2 bao lì xì, dặn mừng tuổi bố mẹ cô, cho bố mẹ phấn khởi. Lúc vợ chồng về nhà, cô thấy hai phong bao vẫn nguyên trong túi quần chồng rơi ra. Cô giận, anh rối rít nói: “Xin lỗi anh quên mất!”. Cô không biết chồng quên thật hay quên giả vờ, biết đâu mừng bố mẹ vợ anh cũng tiếc.
Cô có bầu, thèm ăn cái này cái kia nhờ Minh đi mua, anh cằn nhằn: "Sao em nghén toàn thứ đắt tiền thế? Vợ bạn anh chửa toàn ăn mấy thứ quả chua rẻ rẻ như ổi, mận thôi”. Cô uống nhiều sữa, mong con mạnh khỏe, anh lại nhắc: “Sữa mấy trăm một hộp, uống nhiều béo hết vào em, người xấu đi mà cũng phí ra, con ra đời cho con uống sau có phải tốt hơn không?”.
Cô không muốn cáu giận nhiều ảnh hưởng đến con, cố dịu giọng: “Em khỏe con mới khỏe được, mỗi người nghén mỗi khác, sữa thì Bà bầu nên uống, vợ con anh, anh cũng tiếc từng xu từng cắc, chịu anh thật!”. Minh thản nhiên: “Xưa các cụ ăn toàn ngô khoai sắn vẫn đẻ con khỏe mạnh thông minh, em toàn tiêu pha không đúng chỗ”.
Không chịu nổi sự keo kiệt của Minh, cô quát nặng lời: “Anh đúng là hà tiện, vắt cổ chày ra nước!”. Minh đứng dậy đá cái ghế đổ rầm rầm tức giận: “Cái nhà cô ra vào hàng ngày mua từ tiền hà tiện đấy! Không có sự hà tiện của tôi dễ gì bây giờ cô được sống đàng hoàng thế này”.
Cô thở dài, không biết làm sao thay đổi anh bây giờ, sống hết đời với tính hà tiện này chắc cô không sống nổi. Tiêu hoang như bố thì mẹ khổ, nhưng hà tiện như anh thì cô phải sống kiểu có tiền mà không được tiêu, như vậy chắc gì đã sướng hơn...
Theo Trí Thức Trẻ