Trong thời kỳ mang thai, do thay đổi bất ngờ của nội tiết tố làm hệ miễn dịch của bà bầu bị suy giảm, đây cũng chính là nguyên nhân khiến bà bầu dễ bị mắc bệnh. Đặc biệt, giai đoạn mang thai bà bầu thường bị đau bụng. Nhưng không phải bất cứ triệu chứng đau bụng nào cũng nguy hiểm vậy Bà bầu đau bụng khi nào thì mới đáng lo?
Các triệu chứng đau bụng bà bầu không phải lo
Bà bầu đau bụng do bị đầy bụng, khó tiêu
Theo Đông y, tình trạng đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu gọi chung là bĩ mãn, với nguyên nhân thường thấy là do chế độ ăn uống không hợp lý như ăn quá nhiều thực phẩm chế biến, chiên xào, nhiều dầu mỡ, uống nhiều cà phê, nước trái cây đóng hộp, nước có gas, ăn nhiều gia vị, đường, tinh bột…làm trì trệ quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, ruột. Ngoài ra, khi mang thai, áp lực từ tử cung cản trở phần nào hoạt động của dạ dày, sự thay đổi hormone khi mang thai cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình tiêu hóa. Đây chính là nguyên nhân mẹ bầu dễ bị đầy hơi, khó tiêu.
Bà bầu cần chú ý khi bị đau bụng. Nguồn ảnh: internet |
Bà bầu đau bụng do bị táo bón
Theo thống kê, có khoảng một nửa bà bầu gặp phải tình trạng táo bón trong suốt thời kỳ bầu bí. Cơ thể bà bầu tiết ra loại hoocmon giới tính duy trì thai; loại hoocmon này sẽ thả lỏng các cơ và giúp thai nhi phát triển. Đồng thời, hoocmon này là nguyên nhân khiến cho hệ tiêu hóa của thai phụ hoạt động chậm hơn; nhằm đảm bảo cho cơ thể thai phụ hấp thu đầy đủ các chất bổ dưỡng từ thức ăn để nuôi dưỡng thai nhi. Quá trình tiêu hóa chậm và tử cung đang phát triển cùng tạo ra áp lực lên trực tràng. Táo bón cũng là triệu chứng phổ biến trong thời kỳ mang thai và có liên quan đến đau bụng.
Bà bầu đau bụng do dây chằng
Do tử cung của bà bầu phát triển trong thời gian mang thai, các dây chằng phải căng ra và dày lên để thích ứng và nâng đỡ tử cung. Đau dây chằng là hiện tượng đau nhói hoặc đau âm ỉ ở phần bụng dưới hay bẹn, các dây chằng bao quanh tử cung của thai phụ trong vùng khung xương chậu. Thông thường, thời điểm xuất hiện đau dây chằng thường xuất hiện vào 3 tháng giữa của thai kỳ, với những cơn đau nhẹ, ít và sẽ đau tăng ở 3 tháng cuối của thai kì các cơn đau có thể tăng nhiều do lúc này thai nhi phát triển và đã lớn hơn.
Bà bầu đau bụng lâm râm vào tháng đầu của thai kỳ
Theo các chuyên gia, vào tháng đầu, hiện tượng đau bụng lâm râm khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Đây là dấu hiệu cho thấy thai đang làm tổ. Đặc biệt vào những tuần đầu, cảm giác tưng tức càng rõ rệt hơn, khi thai đang tìm cách bám vào tử cung. Đau bụng dưới cũng có thể bị gây ra bởi cơn ốm nghén. Thông thường, tình trạng này kéo dài âm ỉ khoảng 2-3 ngày, cảm giác đau không tăng lên, nhưng có xu hướng giảm đi.
Trên đây là các triệu chứng đau bụng ở bà bầu được coi là bình thường và an toàn trong thai kỳ. Nhưng nếu mẹ bầu nào bị đau bụng đi kèm những triệu chứng sau thì cần đi khám, không được chậm trễ.
Các triệu chứng đau bụng bà bầu cần phải đi khám ngay
Nếu trễ kinh mà bị đau bụng, đau vùng bụng dưới, một bên, đau âm ỉ, thỉnh thoảng có cơn đau nhói, chảy máu âm đạo, đau khi đi tiêu… thì mẹ bầu phải nghĩ ngay đến việc mang thai ngoài tử cung và nên đến bệnh viên ngay lập tức.
Khi mang thai nếu thấy vùng bụng đau nhói bất thường, có thể kéo dài kèm theo cơn đau ở vùng lưng dưới nên đi khám ngay vì rất có thể bà bầu bị sẩy thai. Biểu hiện này giống như khi bạn bị đau kinh nguyệt kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Do vậy, nếu thấy xuất hiện những cơn co thắt co tử cung (khoảng 5-20 phút một lần) làm cho bạn đau thắt và thở khó khăn, và theo sau đó là chảy máu âm đạo thì đừng chần chừ đi khám ngay.
Trong thời kỳ mang thai nếu bà bầu bị đau đầu nặng hoặc dai dẳng, đau dữ đội ở vùng bụng trên, bị phù ở mặt hoặc sưng húp quanh mắt, sưng phù bàn tay, sưng đột ngột hoặc sưng nặng ở bàn chân,mắt cá chân, buồn nôn, nôn mửa... Nếu bà bầu gặp những triệu chứng đó cần đi gặp bác sĩ ngay vì rất có thể mẹ bầu bị tiền sản giật.
Lưu ý khi bà bầu đau bụng
- Bà bầu tuyệt đối không được dung bất kỳ loại thuốc nào mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
- Bà bầu nên chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý trong thai kỳ. Uống đủ nước, tăng cường chất xơ.
- Kiêng quan hệ vợ chồng trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể làm giảm đau bụng. Mặc dù chuyện đó không gây hại cho người mẹ nhưng nó làm gia tăng cơn co thắt, gây đau bụng.
T.N (tổng hợp)