Trong suốt quá trình mang thai có khoảng 50% bà bầu hay bị chuột rút . Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do Bà bầu thiếu canxi và khi mang thai tăng thêm trọng lượng lên các cơ bắp ở chân, đồng thời thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, tử cung mở rộng làm tăng áp lực lên các mạch máu dẫn đến quá trình lưu thông máu giảm khi đó hiện tượng chuột rút xuất hiện.
Được biết, giai đoạn 2,3 của thai kỳ hiện tượng chuột rút sẽ diễn ra phổ biến nhất do ở giai đoạn này bụng bà bầu đã có sự nhô ra rõ rệt, tử cung được cung cấp máu nhiều gấp 5 lần trước khi có thai để nuôi dưỡng bé. Thận của các bà bầu phải lọc thêm 25% lượng máu. Nhịp tim tăng, và thể tích tăng thêm 30 – 50% so với trước đây. Lúc này trọng lượng cơ thể của các bà bầu có thể tăng thêm từ 2,5 – 4,5 kg… áp lực về sự phát triển của thai nhi ảnh hưởng đến các dây thần kinh và mạch máu, cơ bắp chân phải nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể mẹ dẫn đến chứng chuột rút về đêm.
Để khắc phục hiện tượng này, theo bác sĩ, ngay khi bị chuột rút, bà bầu hãy duỗi thẳng chân và nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân về phía cẳng chân, xoa bóp nhẹ nhàng mắt cá và các ngón chân cũng như các cơ bắp bị co rút. Động tác này lúc đầu có thể làm mẹ bầu đau hơn, nhưng các cơn đau và co thắt sẽ dần dần biến mất. Lúc này mẹ bầu có thể lấy một chai nước nóng chườm lên chỗ đau cố gắng đi đi lại lại trong phòng.
Khi bị chuột rút bà bầu nên duỗi thẳng chân. |
Cách phòng tránh tình trạng chuột rút ở bà bầu
- Bà bầu cần bổ sung magiê và canxi có thể giúp bà bầu tránh tình trạng chuột rút. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc bổ sung nào trong thời kỳ mang thai.
- Mẹ bầu nên uống đủ nước ít nhất 2 lít/mỗi ngày.
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga 30 phút/mỗi ngày, giúp lưu thông máu làm giảm chứng chuột rút ở chân.
- Khi nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ, mẹ bầu có thể kê chân kê cao hơn một chút với chiếc gối mềm.
- Mẹ bầu tránh đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ bị chuột rút. Tốt hơn hết hãy để đôi chân được vận động và nghỉ ngơi thường xuyên bằng cách đi bộ nhẹ nhàng trong giờ làm. Hãy dành những thời gian nghỉ ngơi ngắn giữa giờ cho đôi chân bớt mỏi nếu công việc mẹ phải đứng nhiều.
Nhưng quan trọng nhất và về lâu dài, bà bầu cần bổ sung canxi trong chế độ ăn hằng ngày, và tốt nhất là từ khi còn chưa bầu bí. Ưu tiên ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, ốc, ếch và các sản phẩm sữa, phomai...
T.N (tổng hợp)