Hiện tượng đau đầu khi mang thai ở các bà bầu có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai hay không? Có nguy hiểm hay chỉ là một hiện tượng thông thường không đáng quan tâm ? đau đầu khi mang thai ở các bà bầu sẽ sảy ra vào giai đoạn nào? Đây là những câu hỏi băn khoăn của khá nhiều Bà bầu.
Theo các chuyên gia, hầu hết hiện tượng đau đầu trong khi mang thai đều vô hại và nó là một hiện tượng phổ biến nhưng trong một vài trường hợp có thể trở nên nghiêm trọng khi xuất hiện thêm chứng đau nửa đầu, hoặc đau đầu trong quý hai hoặc ba tháng cuối có thể là một dấu hiệu của bệnh tiền sản giật. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra chứng bệnh này?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bà bầu bị đau đầu. Nguồn ảnh: internet |
Nguyên nhân thứ nhất là khi mang thai nội tiết tố thay đổi: Khi có thai, hai loại nội tiết tố của cơ thể bà bầu thay đổi nhiều nhất là hormon hướng sinh dục rau thai hCG (human Chorionic Gonadotropin) và các Steroid (progesteron và estrogen). Dưới ảnh hưởng của nồng độ tiết tố cao hơn, các mạch máu sẽ co lại và gây ra đau đầu. Ngoài ra sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ khiến phụ nữ dễ mệt mỏi, cáu gắt và gây đau đầu.
Nguyên nhân thứ hai là do thiếu máu: Thiếu sắt là một nguyên nhân phổ biến của tình trạng thiếu máu khi mang thai. Điều này xảy ra khi cơ thể không đủ sắt để sản xuất hemoglobin, chất hiện diện trong các tế bào máu đỏ. Trong thời gian mang thai, lượng máu cung cấp cho cơ thể gần như tăng gấp đôi để đáp ứng các yêu cầu của mẹ và thai nhi. Khi bị thiếu máu, lượng oxy tới não và các cơ quan khác và khi đó sẽ khiến cho thai phụ cảm thấy đau đầu và choáng váng.
Nguyên nhân thứ ba là do bị bệnh: Chứng gây đau đầu và mệt mỏi cho bà bầu là do bà bầu mắc các bệnh như viêm xoang, cảm cúm, bị chứng huyết áp thấp hay bị đau nửa đầu, bị đau hoặc bị căng cơ ở vùng lưng, cổ và đầu trước khi mang thai.
Nguyên nhân thứ tư là do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi: Chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu trong suốt quá trình mang thai rất quan trọng bởi nó là cơ sở cho sự phát triển của thai nhi. Nếu bà bầu ăn đủ dưỡng chất thì thai nhi cũng được hấp thụ đầy đủ những chất dinh dưỡng đó và phát triển một cách khỏe mạnh. Còn nếu bà bầu không ăn uống đầy đủ, thiếu ngủ, không được nghỉ ngơi sẽ khiến cho lượng đường trong máu có thể bị hạ thấp kèm theo đó là hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
Nguyên nhân thứ năm là do tư thế nằm ngủ không đúng: Giai đoạn mang thai tử cung của mẹ bầu sẽ lớn dần lên chèn ép các tĩnh mạch chủ dưới và các tĩnh mạch khung chậu vì thế khi bà bầu nằm ngửa sẽ khiến cho nhịp tim tăng, huyết áp giảm và cảm thấy đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và đôi khi là buồn nôn.
Nguyên nhân thứ sáu là do thay đổi thời tiết: Khi thai phụ tắm nước nóng hoặc ở trong thời tiết nóng trong một thời gian lâu có thể làm cho các mạch máu bị giãn ra gây hạ huyết áp và gây đau đầu, chóng mặt.
Mách bà bầu cách điều trị giảm đau đầu:
Mẹ bầu khi bị đau đầu hãy uống một cốc nước, nằm ở nơi yên tĩnh, thoáng mát. Ngoài ra, có thể dùng đặt khăn mềm ấm ấm chườm ở vùng đầu, mắt, thái dương. Tắm dưới vòi hoa sen bằng nước ấm hay bà bầu cũng có thể tự mình hoặc nhờ người thân massage da đầu bằng tay.
Nếu cơn đau nửa đầu âm ỉ hoặc thấy xuất hiện những triệu chứng dưới đây thì thai phụ cần tới tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời:
- Nếu đây là lần đầu bạn mang thai và đang ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, và có một trong những triệu chứng như đau đầu kèm những thay đổi về thị giác, đau đầu dữ dội kèm sốt, buồn nôn, tăng cân đột ngột, phù nề tay, chân, mặt... bạn cần tới bác sĩ đo huyết áp và kiểm tra nước tiểu ngay lập tức để tránh hiện tượng tiền sản giật.
- Nói khó khăn, mất vận động hoặc bị tê, ngứa ran ở cánh tay hoặc chân. Đau cả ở phần trên, bên phải bụng.
- Cơn đau nặng đột ngột khởi phát. Cơn đau dai dẳng với nhiều dấu hiệu mới.
- Đi tiêu, đi tiểu mất kiểm soát. Thay đổi thị giác và tăng cân đột ngột hoặc sưng ở mặt và tay.
Nếu bà bầu muốn dùng thuốc giảm đau đầu thì nên tư vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân và cách chữa trị đau đầu của bà bầu, bạn có thể xem thêm Tại đây.
T.N (tổng hợp)