Những năm gần đây, các cuộc thi sắc đẹp nổi lên như một trào lưu. Một năm có tới vài ba cuộc thi sắc đẹp dành cho phái yếu. Không thể phủ nhận thị hiếu và sự quan tâm lớn hiện tại dành cho các cuộc thi sắc đẹp. Một trong số ít những người đứng sau sự thành công của các cuộc thi sắc đẹp chính là bà Phạm Kim Dung.
Người trong nghề vẫn hay gọi bà Phạm Kim Dung là "bà trùm Hoa hậu". Bà Dung hiện đang là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quảng cáo thương mại Sen Vàng. Bà chính là người đứng sau các cuộc thi hoa hậu có quy mô tại Việt Nam như Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam....
Nhìn vào bề nổi các cuộc thi Hoa hậu, người ta thấy được sự hào nhoáng và lộng lẫy vô cùng. Thậm chí, nhiều người cho rằng, đây là cuộc thi giúp các thí sinh đổi đời và làm giàu một cách nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, trên thực tế, người trong cuộc lại tiết lộ những sự thật phía sau không hề như mơ đằng sau các cuộc thi sắc đẹp tưởng như hái ra tiền. Là người đứng ra tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp, bà Phạm Kim Dung đã chia sẻ một sự thật không như mơ đằng sau những ảo tưởng làm giàu sau các cuộc thi. Chia sẻ trên Dân Việt, bà Phạm Kim Dung cho biết: "Cái ngành bề nổi này, rất dễ cho người ta nghĩ rằng, đó là một ngành rất giàu có. Nói sai hoàn toàn. Ngành giải trí này rất khó để mình giàu có, đủ ăn là may lắm rồi. Bởi mọi thứ đều có giá của nó.
Đơn cử như làm một chương trình, tôi phải mua thời lượng phát sóng trên đài, thông tin đăng tải trên báo chí... Mọi thứ đều được công khai hết, doanh số bao nhiêu thì mình được hưởng chênh lệch bấy nhiêu thôi.
Hoặc tôi là người đi mời nghệ sĩ về biểu diễn cho một công ty nào đó chẳng hạn, giá của người nghệ sĩ đó, công ty kia cũng dễ dàng biết được, nên mình chỉ lấy phí quản lý, phí kết nối.
Sau khi tổ chức các cuộc thi hoa hậu hay những chương trình khác, giá trị tài trợ đều bỏ vào làm sân khấu hoặc thứ này, thứ kia; thu đường này thì chi ra đường khác, cái mình lãi nhất là tích lũy được khách hàng".
Hay chia sẻ trên báo Người lao động, thí sinh Thái Thị Hoa khi đi thi Miss Earth 2020 cho biết phải tự túc chi phí với số tiền lên tới vài trăm triệu đồng trong 2 tháng đồng hành với cuộc thi. Toàn bộ trang phục dân tộc, dạ hội, trang phục sáng tạo ở đêm chung kết, cô đều phải tự chuẩn bị. Một chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức thi hoa hậu tiết lộ chi phí trung bình của một thí sinh Việt Nam đi thi quốc tế từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. "Họ nhận thấy các cơ hội phát triển, lợi nhuận sau khi thi quốc tế như được nhãn hàng, thương hiệu để mắt nên không tiếc tiền đầu tư".
Để có được những giây phút hào quang, tỏa sáng trên thảm đỏ, các thí sinh cũng phải đánh đổi không ít và phải tự túc kinh tế. Nếu ai không có điều kiện thì khó có thể theo đuổi con đường này. Rồi đến khi đăng quang trở thành Hoa hậu thì con đường phía trước cũng không hề đơn giản và dễ dàng. Người đẹp đăng quang phải thực hiện sứ mệnh của một Hoa hậu với dày đặc các lịch trình do công ty và nhà tài trợ phía sau sắp xếp. Không chỉ vậy, họ còn phải luôn chỉn chu từ lời ăn tiếng nói trước truyền thông nếu không sẽ "họa vô đơn chí". Đơn cử như ồn ào của Hoa hậu Ý Nhi. Chỉ sau đăng quang vài ngày từ đỉnh cao của sự hạnh phúc, Ý Nhi rơi xuống vực thẳm của sự tủi nhục. Tất cả chỉ vì những giây phút phát ngôn thiếu suy nghĩ chưa chín chắn khi ở độ tuổi còn quá trẻ và non nớt. Cho đến nay, Ý Nhi vẫn chưa thể tái xuất vì dư âm của ồn ào.
Như vậy có thể thấy, để có được hào quang của một Hoa hậu thì điều đó đồng nghĩa với việc phải đánh đổi không ít, phải không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.