Nhà Đường là một trong những triều đại phong kiến ở Trung Quốc, kéo dài từ năm 618 đến năm 907, được thành lập bởi gia tộc họ Lý. Trong các hoàng triều cai trị Trung Quốc, nhà Đường là một trong những triều đại cực thịnh về kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo Sohu, hoàng tộc thời phong kiến có cuộc sống rất sung túc, được nhiều người ngưỡng mộ. Thậm chí, công chúa nhà Đường còn là mục tiêu được các quan lại quý tộc nhắm tới để gả con cái để trở thành thành viên của hoàng tộc, sống trong vinh hoa phú quý cả đời.
Tuy nhiên, một chuyện lạ liên tục xuất hiện ở triều đại nhà Đường đó chính là chuyện hôn sự của công chúa lại không được các quý tộc, quan lại quan tâm. Thậm chí, nhiều công chúa còn khó được gả cho con cái quan lại trong triều. Điều này khiến nhiều người tò mò về lý do vì sao công chúa nhà Đường lại khó lấy được chồng.
Theo báo cáo của tờ Phượng Hoàng tân văn, có tới 4 lý do khiến các quan lại nhà Đường phản ứng lạnh nhạt trước việc quốc hôn của triều đình. Thay vì để con cái nên duyên với công chúa của hoàng thất, có cuộc sống xa hoa, vương giả thậm chí còn trở thành thành viên của hoàng tộc, nhiều quan lại hoặc quý tộc nhà Đường lại lưỡng lự trước việc thành hôn của con cái hoặc người trong gia tộc.
Lý do đầu tiên là nhiều quan lại nhà Đường sợ "bệnh công chúa" của các công chúa nhà Đường. Hầu hết các công chúa nhà Đường đều không tuân thủ lễ pháp (nghi lễ, nghi thức của hoàng thất), hay hung hãn, nạt nộ, ỷ là con cháu hoàng thất mà coi thường người khác. Điều này khiến các quan lại, quý tộc đều e dè vì sợ rước họa vào thân. Điển hình như công chúa Vạn Thọ - con gái của Đường Tuyên Tông.
Theo sử sách, Vạn Thọ công chúa kết hôn với Trịnh Hạo vào năm Đại Trung nhị niên (năm 848). Khi em trai chồng bị bệnh nặng, Tuyên Tông cử người tới thăm hỏi. Khi đến nơi lại thấy công chúa Vạn Thọ đang xem kịch tại Từ Ân Tự, không mảy may quan tâm tới em trai của chồng đang bị bệnh nặng. Sau khi biết chuyện, Đường Tuyên Tông tỏ ra rất tức giận và chửi bới: "Ta còn trách vì sao quan lại không muốn liên hôn với hoàng thất, hóa ra đều có lý do cả".
Ngoài ra, các công chúa nhà Đường còn có lối sống sa đọa, bất chấp hình ảnh của hoàng thất. Theo ghi chép lịch sử, công chúa Cao Dương của Đường Thái Tông còn công khai chuyện quan hệ nam nữ với nhiều tăng nhân, tu sĩ. Công chúa Thái Bình - con gái của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên cũng có lối sống sa đọa không kém mẹ ruột của mình. Để tránh phiền phức và rước sự nhục nhã cho dòng họ, nhiều quan lại quyết định không liên hôn với hoàng thất.
Lý do thứ hai là những tranh chấp trong giới quý tộc. Ở thời nhà Tùy và nhà Đường, ai nấy đều tự hào khi có thể liên hôn với quý tộc ở Sơn Đông. Dù giới quý tộc ở Sơn Đông chỉ phát triển mạnh đến đầu thời nhà Đường, không có sức mạnh kinh tế hay chính trị những vẫn có địa vị nhất định. Do đó, nhiều nhân sĩ của hoàng thất đều mong muốn được liên hôn với Thôi Thị, Lô Thị, Lý Thị ở Sơn Đông để nâng cao địa vị của họ. Do đó, các công chúa nhà Đường càng thất thế hơn.
Nguyên nhân thứ ba là sự hỗn loạn của thời cuộc. Đầu thời nhà Đường, chỉnh sự ổn định, vương quyền vững chắc, các công chúa có địa vị cao, thân phận vô cùng tôn quý được nhiều người kính nể và muốn liên hôn với hoàng thất. Tuy nhiên, sau thời Đường Hiến Tông, hoàng quyền suy sụp, hoạn quan nắm chính quyền dẫn đến các cuộc đảo chính trong cung thường xuyên. Triều đại của các hoàng đế cũng rất ngắn ngủi. Do đó, chẳng mấy ai bận tâm tới việc hôn quốc của công chúa nhà Đường.
Lý do cuối cùng chính là, nhiều quan lại cho rằng, hôn quốc của công chúa thực chất là một "mối kinh doanh". Kể từ khi chế độ thi cử của triều đình được phát triển mạnh vào thời nhà Đường, những người đỗ đạt cao sẽ có một chức quan có địa vị cao trong triều đình. Họ cũng được hưởng nhiều đặc quyền và dần hình thành một tầng lớp quý tộc đặc biệt. Những quan lại này không quan tâm đến chuyện hôn sực ủa hoàng thất. Suy cho cùng nếu xảy ra loạn lạc, nếu liên hôn với hoàng thất, họ còn có nguy cơ bị bắt làm con tin. Do đó, những tầng lớp này không đặt cao việc có quan hệ mật thiết với hoàng tộc nhà Đường.