Theo tin tức cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần.
Cơ quan khí tượng cảnh báo đây là cơn bão "rất nhanh và nguy hiểm". Trước kịch bản siêu bão Noru có thể ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ, tin tức từ Tri thức trực tuyến cho hay, chiều ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với cơn bão Noru sắp vào Biển Đông, trước diễn biến hình thái này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố Trung Bộ trong 2 ngày tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết bão Noru dự kiến đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 trong năm nay. Theo báo cáo, đây là cơn bão mạnh với sức gió có thể đạt đến cấp 13, giật cấp 16 trên Biển Đông và vùng ảnh hưởng trên phạm vi rộng.
Dù bão chưa vào Biển Đông, Ban Chỉ đạo quyết định triệu tập cuộc họp với 16 địa phương cùng bộ, ngành liên quan để các đơn vị có thời gian chuẩn bị.
"Kinh nghiệm cho thấy những cơn bão với cường độ lớn từ cấp 13 trở lên ảnh hưởng rất lớn, gây nguy cơ thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân. Do đó, tinh thần là cần ứng phó sớm với cơn bão sắp tới", Phó thủ tướng nói.
Cũng tại cuộc họp, tờ Vnexpress đưa tin, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay bão rất mạnh với tâm sắc nét, khí áp rất thấp, cấu trúc bão đồng nhất với chiều cao từ mặt đất trở lên là 5-10 km.
Theo ông Thái, giữa biển Đông không có Không khí lạnh như mọi lần nên đường đi của bão thuận lợi. Khi qua Philippines bão sẽ giảm 1-3 cấp, khi vào Biển Đông sẽ mạnh trở lại. Bão đang giai đoạn trưởng thành nên khả năng đạt cấp 15 khi qua nam quần đảo Hoàng Sa, gần vào đất liền sẽ giảm đi 1-2 cấp.
Bão dự kiến đi vào bốn tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định. Hiện đài Việt Nam, Nhật Bản và Hong Kong nhận định bão gần bờ đạt cấp 13, phía Mỹ dự báo cấp 15-17 do hệ thống quan trắc và hệ quy chiếu khác nhau.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định bão Noru đang cấp siêu bão. Trong 20 năm qua, đây là cơn bão lớn nhất, mạnh hơn cả bão Xangsane đổ bộ miền Trung tháng 9/2006 làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương.
Theo ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các tỉnh thành từ Quảng Bình tới Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán 868.230 người. Trong đó các địa phương dự kiến bão đổ bộ, hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi sẵn sàng sơ tán hơn 93.000 hộ với 368.000 dân.
Các hộ dân phải sơ tán do có nhà ở vùng ven biển, cửa sông, có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở; sinh sống trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu dân cư cơ thể bị lũ quét...