Ngày 13/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định để chỉ đạo ứng phó bão số 13 (bão Vamco), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, sáng nay bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km, cách đất liền khoảng 880km, tốc độ di chuyển từ 15-20km/h. Cường độ hiện tại cuối cấp 11, đầu cấp 12.
Theo ông Khiêm, trên khu vực giữa Biển Đông và Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội.
Trước dự báo bão có thể gây tổn thương cả hướng biển, sườn tây, đất liền, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bão số 13 rất nguy hiểm với đường đi còn khó đoán định, lại đổ bộ vào khu vực chỉ trong 1,5 tháng có 9 cơn bão và 2 áp thấp.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị và địa phương không được chủ quan mà phải có quyết tâm cao hơn nữa.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị bám theo tinh thần công điện của Thủ tướng để chỉ đạo ứng phó.
Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục đảm bảo an toàn trên biển, từ Thanh Hoá đến Bình Định thuộc phạm vi cơn bão có ảnh hưởng thì phải rà soát lại các tàu thuyền xem còn cái nào trong vùng nguy hiểm thì phải đưa tới nơi an toàn.
Cần bảo vệ an toàn cho người dân cũng như các thuyền viên. Sơ tán dân khỏi các lồng bè, cơ sở sản xuất kinh doanh trên biển, đảo.
Trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu; đảm bảo an toàn các công trình mà trước hết là nhà dân, công trình công cộng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ… Đồng thời sơ tán dân ở các khu vực dễ có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ chiều nay (13/11), bão số 13 Vamco đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Đến 16 giờ ngày 14/11, bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, có khả năng đi dọc tuyến biển từ Bình Định đến Thanh Hóa - là khu vực đã bị tổn thương rất lớn do các đợt bão, lũ liên tiếp vừa qua.
Khả năng tâm bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế trong sáng sớm 15/10 (Chủ nhật). Trường hợp bão đổ bộ vào ban đêm thì triều ở mức cao (tại cửa Gianh: 1,9m). Sóng biển cao từ 4-6m, vùng tâm bão cao từ 8-10m.
Ngoài ra, tác động của nước dâng do bão làm hạn chế thoát lũ đang xảy ra tại một số cửa sông, làm gia tăng ngập lụt và kéo dài, như sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Từ đêm nay (13/11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Từ sáng mai (14/11), vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-0,8m.
Trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Từ 14-16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.