- 10 tai nạn máy bay bí ẩn nhất thế giới
- "Hành khách mất tích máy bay chưa bằng một tháng tai nạn GT ở VN"
- Mẹ nguy kịch vì Tai nạn giao thông vẫn cố sinh con trước khi qua đời
Đèn chiếu sáng là bộ phận cần thiết và bắt buộc trên các phương tiện giao thông, giúp bạn lưu thông và đảm bảo an toàn khi ra đường, đặc biệt là vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu như dùng sai chức năng của đèn cũng có thể gây tai nạn đáng tiếc cho mình và người khác.
Trang bị đèn tiêu chuẩn trên các phương tiện từ ô tô đến xe máy gồm đèn pha và đèn cốt. Đặc điểm của đèn pha là tầm chiếu sáng rộng, góc chiếu cao nên được dùng để chiếu xa, còn đèn cốt là phạm vi chiếu hẹp hơn đèn pha, thường là bằng 1/2 cùng với góc chiếu thấp nên được dùng để chiếu gần. 2 loại đèn có 2 công năng chiếu sáng khác nhau, nhưng rất nhiều người dùng đã dùng sai chức năng của chúng.
1 vụ lật xe có nguyên nhân từ đèn chiếu sáng
Khi đi trên nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ hay ở vùng xa thành thị vào buổi tối, người điều khiển xe đều sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) để dễ lái xe hơn. Nhưng chính điều này lại khiến người đi ngược chiều rất khó chịu do đèn chiếu xa sẽ làm họ bị lóa mắt, có thể bị lạc tay lái, mất phương hướng dẫn đến bị ngã xe hoặc va chạm với đối tượng khác. Đường có chiều rộng càng nhỏ (đặc biệt là các tuyến đường xã, huyện) thì nguy cơ tai nạn càng cao.
Theo một số người, khi chạy xe gắn máy họ ít khi để ý đến việc để đèn chiếu xa hay chiếu gần vì trời tối thì cứ bật đèn lên là chạy. Họ cũng không nghĩ đến việc để đèn chiếu xa lại nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn giao thông. Nguy hiểm hơn là hiện nay tình trạng bật đèn pha trong đô thị xuất hiện ngày một nhiều.
Thực tế đã có những vụ tai nạn do người tham gia giao thông bật đèn pha. Ngày 1/6/2012 tại xa lộ Hà Nội, đoạn qua phường Hiệp Phú quận 9, Tp.HCM. Trong khi ông Mai Đình Tuyến chạy ô tô cùng với vợ thì bất ngờ bị một xe tải chạy ở làn đường ngược lại mở đèn pha xa, chói vào mắt ông.
Sự việc xảy ra khiến ông Tuyến bị lóa mắt, để chiếc ô tô lạc tay lái, tông thẳng vào dải phân cách đang thi công nằm giữa đường.Cú va chạm mạnh khiến chiếc xe du lịch lật nhào ngang đường. Hậu quả, vợ ông Tuyến bị thương nặng, phải đi cấp cứu ngay sau đó.
Luật Giao thông đường bộ tại Khoản 12, Điều 8 cũng đã quy định : “Nghiêm cấm sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư” và tại Khoản 3, Điều 17: “Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa”. Người tham gia giao thông nên lưu ý để chấp hành đúng quy định, bảo đảm an toàn.
Khi sử dụng đèn chiếu sáng, người tham gia giao thông cần chú ý những điều sau :
Sử dụng đèn pha/cốt để chiếu sáng:
Trên đường cao tốc, nếu là đường có dải phân cách cao quá tầm đèn của ô tô, hãy sử dụng đèn pha để tầm quan sát được tốt hơn. Dải phân cách đã ngăn luồng ánh sáng giữa 2 chiều xe, nên bạn sẽ không gặp vấn đề gì với đèn pha.
Ở những đường cao tốc có dải phân cách thấp, hoặc chỉ có vạch liền hay vạch đứt, hãy sử dụng đèn cốt để di chuyển, tránh gây lóa cho những xe đi ngược chiều. Nếu đường thoáng, hãy bật sang đèn pha để quan sát, nhưng khi thấy đèn của xe đi ngược chiều, hãy chuyển về chế độ đèn cốt ngay.
Trong thành phố, với khoảng cách các xe khá gần, phải sử dụng đèn cốt để quan sát, di chuyển với tốc độ vừa phải và an toàn.
Sử dụng đèn pha/cốt thay còi:
Khi di chuyển vào ban ngày, để xin vượt hay báo hiệu với xe ngược chiều để tránh va chạm, thay vì bấm còi, bạn có thể sử dụng đèn pha như một cách ra tín hiệu. Ánh sáng từ đèn pha sẽ phản chiếu vào gương chiếu hậu, khiến người đi trước biết để nhường đường.
Trên ô tô và một số loại xe máy, nhà sản xuất đã thiết kế riêng nút nháy đèn pha, tạo điều kiện thuận lợi để bạn sử dụng trên đường. Trong trường hợp xe máy của bạn không có nút nháy đèn pha, hãy chuyển sang chế độ đèn pha và sử dụng nút bật/tắt đèn ở tay lái bên phải.
Khi di chuyển vào trời tối, bạn cũng có thể sử dụng nút nháy đèn pha song song với việc bật sẵn đèn cốt phục vụ chiếu sáng. Nếu xe máy của bạn không có nút nháy đèn pha, hãy bật trước đèn cốt rồi sử dụng nút chuyển chế độ đèn cốt/pha ở tay lái bên trái.
Việc sử dụng đèn chiếu sáng đúng cách sẽ tạo nên văn hóa tham gia giao thông, tạo sự an toàn cho chính bạn và người khác.
T.M ( theo Duongbo.vn)