Đôi nam nữ ở xã Ia Puch (Chư Prông, Gia Lai) có tình cảm với nhau nên được cha mẹ cô gái cho phép chàng trai đến chơi và “coi như con rể”. Thế nhưng sau đúng một tuần ăn ngủ với cô gái, chàng trai phải “bỏ của chạy lấy người”.
Cha mẹ cô gái giận lắm vì đã ăn ngủ với con gái rồi mà không chịu lấy nên đã viết đơn lên xã đòi đền bù 60 triệu. Chàng trai không chịu vì có ăn ngủ nhưng “không để lại hậu quả gì”. Vụ kiện cáo kéo dài, cán bộ tư pháp xã phải vận động, tuyên truyền rất nhiều lần, cuối cùng sự đền bù cũng được thực hiện nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều.
Thử làm rể một tuần
Sự việc kiện cáo kéo dài đến cả tháng trời, đi đâu cũng nghe người dân buôn Goòng này nhắc đi nhắc lại, ngay cả già làng Siu Dinh đã gần 80 tuổi của buôn cũng bất ngờ.
Rơ Lan Tiu vốn là tràng trai mới lớn. Mới hơn 18 tuổi nên nhiều chuyện luật làng Tiu không được nắm rõ. Từ trước tới nay, Tiu ngoài đi học rồi về làm rẫy phụ giúp cha mẹ, chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng để giao du với người khác cả. Thế nên sự ngây ngô của Tiu cũng là dễ hiểu.
Hỏi chuyện Tiu về việc đền phạt vạ đã xong chưa, Tiu vò đầu bứt tai bảo: “Xong sao được. Mới phạt “sơ thẩm” nhưng họ đòi phạt mình tới 6 con bò. Mình không chịu đâu, mình đòi xử lại “phúc thẩm” chứ phạt nặng vậy ai mà chịu được. Bò chứ có phải đất đá gì đâu mà đòi nhiều quá. Nói là vậy nhưng “tòa sơ thẩm” do già làng và tổ hòa giải đã tuyên, muốn hay không muốn thì mọi người vẫn phải chấp hành, không ít thì nhiều.
Năm nay 18 tuổi, Rơ Chăm Bi là một cô gái người Jrai xinh xắn nhất buôn làng Goòng ở xã Ia Puch (Chư Prông, Gia Lai) này. Vì là cô gái đẹp, lại hay lam hay làm nên sau nhiều năm quần quật làm việc, Bi cũng đã mua được hoa tai, vòng kiềng và áo mới, váy mới. Rơ Chăm Bi chỉ mong đến ngày được mặc những bộ quần áo đẹp và đeo những trang sức ấy lên người để tham gia hội buôn mừng lúa mới. Hơn thế nữa, Rơ Chăm Bi còn muốn có cơ hội khoe vẻ đẹp và “gần gũi” người mình yêu là Rơ Lan Tiu ở cùng buôn, cùng tuổi.
Rơ Lan Tiu cũng là một chàng trai giỏi giang trong buôn này khi đã học hết lớp 12 của trường dân tộc nội trú huyện, đang chờ thi đại học để tiếp tục thực hiện ước mơ con chữ của cả buôn này. Bi và Tiu đúng là một đôi trai tài gái sắc được Yàng sinh ra để dành cho nhau. Thế nên chuyện hai người có tình ý với nhau thì cả nàng đều biết, cả đám con trai, con gái ai cũng biết nên không có ý định “bắt” nữa.
Luật tục đã có từ ngàn đời của người Jrai ở đây là nếu trai gái có tình cảm với nhau, thì có thể tìm hiểu, thậm chí ngủ với nhau trong những ngày hội buôn. Sau đó, dù có “kết quả” hay không thì cô gái cũng báo cáo với già buôn để tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, nếu nhà trai hay nhà gái chưa sẵn sàng thì lễ cưới có thể lùi lại và tháng, thậm chí cả vài năm. Tục lệ ở đây ngược với người Kinh, trước và sau hôn nhân thì chàng rể đều có thể về nhà “ông bà nhạc” ở. Chính từ luật tục này mà bao rắc rối nảy sinh.
Tình yêu của Bi và Tiu được mọi người đồng tình, chỉ chờ nhà Tiu mang vòng cầu hôn, mang khố và chiêng ché sang nhà Bi để có cái lời nữa là coi như hai người chính thức thành vợ thành chồng. Nhưng cái buổi đi nói chuyện ấy chưa thực hiện được vì còn mắc lễ mừng lúa mới, một lễ trọng của buôn mỗi năm chỉ có một lần.
Hôm ấy, khi lửa nhà Rông bùng cháy giữa buôn, khi trai Jrai đang tròn quay theo điệu xoang, khi người gài đang gật gù bên cần rượu và lũ trẻ trong buôn đang lặng bên để nghe già làng kể Khan (đọc sử thi – PV) thì Bi và Tiu dắt nhau đi tình tự ở con nước đầu làng. Đêm ấy, hai người tình tự với nhau mãi, con trăng đã lặn từ lúc nào, người già đã say cái rượu từ lúc nào, lũ trẻ đã ngủ từ lúc nào và trai gái trong buôn cũng đã tản đi đâu hết. Thế rồi, ngày hôm sau, Tiu theo Bi về tận nhà cô gái, ăn ngủ ròng rã một tuần lễ liền để thử làm rể, chờ cha mẹ đến đưa cái rượu, đưa cái vòng chuẩn bị cho hôn lễ.
Người làng thấy Tiu về nhà Bi ở thì mừng lắm, vì ai cũng chắc mẩm chẳng bao lâu nữa, trong buôn sẽ diễn ra một hôn lễ long trọng. Ấy vậy nhưng không hiểu sao, khi Tiu ở rể thử tới ngày thứ tám thì đùng đùng bỏ về nhà bố mẹ đẻ.
Mọi người trong buôn đều chưng hửng vì không biết nguyên nhân gì khiến Tiu lại bỏ về nhà như thế. Còn nhà Rơ Châm Bi thì giận lắm. Cha của Rơ Chăm Bi là Siu Phước cứ đi ra lại đi vào hậm hực vì “mất” con rể. Siu Phước cùng con cái đi sang nhà Rơ Lan Tiu để hỏi mọi chuyện cho ra nhẽ, và cũng để đưa Tiu về nhà vợ. Nhưng Tiu một mực không chấp nhận.
Bố cô gái nói với nhà trai: “Ơ cái thằng Rơ Lan Tiu nó đã ăn nằm với con gái ta cả mấy ngày liền giờ lại định… chạy làng à? Như thế không được, nó phải về nhà ta làm rể thôi!”. Thế nhưng đáp lại cái lời của ông Siu Phước thì chàng trai kiên quyết không chịu, vì chưa xảy ra… hậu quả?.
Giận quá thế là gia đình cô gái kiện lên già làng, đòi “bồi thường” 6 con bò tương đương với 60 triệu đồng vì không thật cái bụng. Già làng Siu Dinh cũng chột dạ vì mới đây còn thấy Tiu ở bên nhà vợ, mà giờ thì đã “bỏ trốn” về nhà cha mẹ đẻ, để đến đến nỗi nhà vợ phải kiện ra làng như thế này thì mọi chuyện còn ra sao nữa. Nghĩ thế, già làng Siu Dinh ngay lập tức gọi mọi người đến để phân xử.
Suýt mất 6 bò vì lỡ làm rể thử một lần
Buổi chiều hôm ấy, Rơ Lan Tiu được gia đình đưa ra trước làng. Già làng Siu Dinh sau khi hỏi han một hồi thì quyết định cho mời “nạn nhân” đến. Rơ Châm Bi đến, già làng bắt ngồi dựa vách ván, ngó ngay mặt ông. “Phiên tòa” làng bắt đầu với phần thẩm vấn các “nạn nhân”.
Nghe hai bên trình bày xong, già làng Siu Dinh gật gù: “Được! Đứa khai rằng có, đứa nói rằng không. Trong làng này ta lớn nhất, bà con phải nghe ta. Con Rơ Châm Bi phải làm một cái đơn có cái chữ, nói rõ việc thằng Rơ Lan Tiu dám “bắt cái nước” xảy ra lúc nào, ở đâu, tại sao mà bắt được. Nó lại phải đi lên cái bệnh viện ngủ lại một đêm, sáng hôm sau gặp cho mấy bác sĩ người Kinh khám và “bắt con rọ rẹ” mà thằng Tiu đổ vào trong người nó ra. Người bác sĩ sẽ cho nó một cái giấy chứng nhận có đóng dấu đỏ, trong đó nói rõ con rọ rẹ này là do thằng Tiu đổ vào. Cái đó gọi là bằng chứng. Đem giấy này kẹp vào cái đơn đưa cho mình, mình sẽ bắt thằng Tiu phải đền bò như những gì mà nó làm. Bà con thấy mình nói có đúng không?”.
Mọi người đều gật gù vì lời già làng nói đúng qúa. Chỉ riêng Rơ Lan Tiu là không đồng tình vì dù có “bắt cái nước” rồi, nhưng chưa để lại hậu quả gì. Vả lại, ngay cả Rơ Châm Bi cũng ngập ngừng vì thằng Tiu đã “bắt cái nước lâu” rồi, giờ làm sao người bác sĩ lấy được con rọ rẹ ấy ra nữa. Hai bên cứ dùng dằng mãi, già làng cũng không thể xử cái vụ hy hữu này nên gia đình Rơ Châm Bi viết đơn lên xã.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ tư pháp của xã Ia Puch được đích thân Chủ tịch xã giao cho giải quyết vụ việc chưa từng xảy ra với người dân trong xã này. Để xử lý vụ việc, ông Hùng phải huy động thêm già làng Siu Dinh, cùng Phó chủ tịch xã xắn tay vào giải quyết. Gia đình đôi bên được mời lên Ủy ban xã để làm việc. Thế rồi ba mặt một lời, già làng khuyên giải: “Thôi thì chúng nó đã hết tình cảm với nhau, cũng chả ai ép được. Và vì chưa xảy ra hậu quả nên đòi bồi thường 6 con bò cũng là hơi quá…”.
Cha mẹ của Rơ Châm Bi bật lại: “Sao lại quá! Nó ở với con Rơ Châm Bi bảy ngày, lẽ ra mỗi ngày bị phạt một con bò. Mình thương tình chỉ lấy 6 bò thôi mà. Với lại nó làm cho con Rơ Châm Bi buồn nhiều ngày trời, như thế cũng phải bị phạt nữa chứ”.
Trước tình cảnh trớ trêu ấy, cán bộ tư pháp xã Nguyễn Mạnh Hùng phải giảng giải: “Chuyện tình cảm là sự tự nguyện của hai bên giữa Rơ Lan Tiu và Rơ Châm Bi, không ai có thể can thiệp được. Thằng Tiu và con Bi đều trai chưa vợ, gái chưa chồng có quyền tìm hiểu, yêu đương và đến với nhau hay chia tay nhau cũng là do tự thân quyết định. Không thể vì chuyện không thương nhau rồi không đến được với nhau mà phải nộp bò, như thế là sai với pháp luật đấy!”.
Sau khi nghe cán bộ pháp luật của xã giải thích, lại có lời của Phó chủ tịch xã góp vào, cha mẹ của Rơ Châm Bi cũng hiểu ra. Cuối cùng, theo luật tục vẫn phải làm một cái lễ cúng Yàng, đôi bên đồng ý mổ một con gà, làm dăm lít rượu ngồi lại với nhau để… xí xóa. Và với Rơ Lan Tiu thì sau khi bị phạt “sơ thẩm”, anh đi mua một con heo để làng cúng giải xui. Con heo này là lễ vật dù thắng hay thua thì anh cũng phải bỏ ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Địa bàn xã có gần tới 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn thấp và chủ yếu ứng xử với nhau theo luật tục. Vụ việc này khiến chính quyền địa phương hết sức đau đầu để tìm cách giải quyết. Rất may cuối cùng hai bên gia đình cũng đã giảng hòa với nhau và mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Đây cũng là một bài học cho các cán bộ vùng sâu vùng xa lấy làm kinh nghiệm trong công tác dân vận tại địa phương”.
Theo Nguyễn Hiền/Nguoiduatin