Dây cu-roa là bộ phận đóng vai trò truyền động của xe tay ga, khác với dòng xe số thường có bộ nhông sên đĩa hay bánh răng. Dây cu-roa giúp cho xe hoạt động êm ái, động cơ dễ dàng truyền được lực từ máy ra bánh sau trong khi người dùng chỉ việc nhẹ nhàng tăng ga là có thể di chuyển.
Dây cu-roa là một trong những bộ phận có chu trình hoạt động và chịu tác động cơ học lớn nhất trên xe. Nếu nó xuống cấp dần theo thời gian, xe trở nên kém sức mạnh như ban đầu, tổn hao nhiên liệu, máy vận hành không trơn tru. Và dĩ nhiên nếu bộ phận này đã hư hại nghiêm trọng thì chiếc tay ga sẽ chẳng thể tiếp tục di chuyển.
Do vậy, chủ xe cần nắm bắt tốt các triệu chứng hư hỏng, thời điểm thích hợp để thay thế dây cu-roa, đảm bảo chiếc xe luôn giữ được công suất hoạt động tốt nhất, tránh hư hại lây sang các bộ phận khác của động cơ. Độ bền của cu-roa sẽ phụ thuộc vào thời gian sử dụng. Quãng đường hoạt động hoặc quá trình chăm sóc xe của người sở hữu.
Xe chạy lâu ngày, dây đai dần sẽ bị bám cứng bụi, dần dần mòn các góc cạnh theo thời gian. Ngoài ra, quá trình hoạt động sẽ tạo ra nhiệt năng, làm tăng tốc độ chai cứng, hoặc thậm chí có khả năng nứt, đứt gãy nếu vô tình chịu sự thay đổi về nhiệt độ đột ngột.
Cách kiểm tra dây cu-roa chủ yếu thông qua trực quan chủ xe hoặc thợ sửa chữa. Tất nhiên là người điều khiển và chịu trách nhiệm chính thì bạn cũng nên trang bị đôi chút kinh nghiệm để tránh lãng phí. Dây cu-roa sau một thời gian hoạt động, hãy thử bẻ ngược phần răng vào trong sẽ thấy có các khe nứt nhỏ, điều này hoàn toàn bình thường. Nó vẫn có thể làm việc ổn định mà không gây ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên khi quan sát thấy bề mặt tiếp xúc của 2 dây đai bị nứt, thì bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài thay mới. Điều này vừa bảo đảm chất lượng hoạt động và cả sự an toàn cho người và phương tiện. Kể cả dù chỉ phần lưng đai bị nứt, nguy cơ đứt gãy trong quá trình vận hành sau này vẫn rất dễ xảy ra. Như vậy thay mới là phương pháp bắt buộc.