Theo tin tức từ Tiền Phong, chiều ngày 4/9, nội dung về việc bỏ sổ hộ khẩu khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2021, được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Vẫn còn nhiều ý kiến trong việc bỏ sổ hộ khẩu nên vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến về nội dung này.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày luật có hiệu lực thi hành và không cần có quy định chuyển tiếp. Qua đó, sổ hộ khẩu, tạm trú sẽ hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành, từ ngày 1/7/2021.
Chính vì còn nhiều ý kiến trái chiều nên Ủy ban Thường vụ thiết kế nội dung này thành hai phương án.
Phương án 1: Quy định chuyển tiếp, theo đó, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong sơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Phương án 2, giữ như nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ông cho rằng lưu hành song song việc có sổ hộ khẩu đến cuối tháng 12/2022 là phù hợp. Ông Hòa cho rằng nếu bỏ ngay e rằng khó khăn cho người dân trong quan hệ dân sự với cơ quan Nhà nước, công quyền.
Đối với phía quan chủ trì soạn thảo luật, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc lại có ý kiến khác. Ông Ngọc đề nghị chỉ nên quy định một phương án như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội, là sẽ bỏ sổ hộ khẩu khi Luật Cư trú (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, không có quy định chuyển tiếp là được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022, Tri thức trực tuyến đưa tin.
Liên quan đến tình hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp mã số định danh cá nhân để các đại biểu yên tâm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết dự án đã được Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021.
Bộ Công an khẳng định sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.
Trước đó, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu tới năm 2025 trong lúc chờ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án mà Chính phủ đã trình là mọi điều khoản của Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
“Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn có đủ khả năng, điều kiện. Chúng tôi nghĩ tất cả các cơ quan có sự phối hợp để thực hiện thì sẽ có đủ điều kiện thời gian và các điều kiện khác. Ở đây cũng đòi hỏi Quốc hội có nghị quyết thống nhất như vậy, đòi hỏi các cơ quan phối hợp” - ông Tô Lâm nói.
Cũng theo Đại tướng Tô Lâm, việc vẫn lưu lại sổ hộ khẩu đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế.
“Đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân. Bây giờ lại kéo dài thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện không cao” - Bộ trưởng Công an nhận xét.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ theo đề xuất của Bộ Công an và Chính phủ, không kéo dài thời gian chuyển tiếp tới năm 2025.