Theo tin tức trên Dân trí, VietNamNet, ngày 23/7, Công an tỉnh Nghệ An vẫn đang tiếp tục điều tra liên quan đến một số thông tin bất cập trong quá trình triển khai thực hiện "Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu" của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện từ năm 2016 đến nay.
Trước đó vào tối 21/7, Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Kim Văn Bốn (Cán bộ Phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội tham ô tài sản trong quá trình thực hiện đề án trên.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, ông Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án.
Bước đầu, công an xác định số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
Được biết, đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 108 tỷ đồng và 12 tỷ là ngân sách đối ứng địa phương). Đề án được chia làm hai giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Tháng 7/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc phân khai nguồn kinh phí thực hiện Đề án này, trong đó nêu rõ các hạng mục. Phần hỗ trợ sản xuất của quyết định trên có 6 nội dung.
Cụ thể, phần hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao (cả kinh phí vắc xin tiêm phòng) với số tiền dự kiến là hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm hơn 1,5 tỷ đồng…
>>> Xem thêm: Người phụ nữ ở Hải Phòng bị lộ clip nhạy cảm: Hé lộ lỗ hổng bảo mật từ camera an ninh
Đáng chú ý, trong mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền gần 13 tỷ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương), chủ đầu tư đã cho xây dựng 67 chuồng trại cho 77 hộ dân người Ơ Đu.
Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng.
Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng. Kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m; trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn...
Được biết, hạng mục xây dựng chuồng ở cho bò đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Sau khi chuồng bò được xây dựng và đưa vào sử dụng đa số cho rằng việc xây dựng chuồng bò đắt là quá lãng phí, không phù hợp. Trong khi đó, người dân trên địa bàn này đang ở nhà tranh tre vách nứa, chưa được xây dựng kiên cố thì chuồng bò được xây dựng đẹp hơn chẳng khác nào bò lại được xây "biệt thự" để ở.
Liên quan đến sự việc trên, ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng Công trình (Sở NN&PTNT Nghệ An, đơn vị thẩm định thiết kế và dự toán) cho rằng: Việc thẩm định giá dự án được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đơn giá thống nhất chung của cả tỉnh. Không có chuyện muốn duyệt thế nào cũng được.
>>> Xem thêm: Clip người phụ nữ bán nude để các bé đụng chạm 'nơi nhạy cảm': Góc nhìn từ chuyên gia tâm lý
Theo ông Quyền, quy trình thẩm định giá là sau khi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án, Ban Dân tộc lựa chọn, thuê tư vấn để thiết kế các hạng mục công trình.
Căn cứ vào hồ sơ xây dựng chuồng trại gia súc mà Ban Dân tộc trình, Sở NN&PTNT sẽ kiểm tra lại khối lượng, định mức, chế độ và đơn giá quyết toán.
Kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT được Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Dân tộc trình UBND tỉnh ký phê duyệt.
"Việc thẩm định giá theo định mức ban hành của Bộ Xây dựng và liên Sở Tài chính – Xây dựng ban hành. Khi có khối lượng nhân với đơn giá sẽ thành tiền. Ngoài chi phí xây dựng, theo quy định của Nhà nước còn có chi phí thiết kế, chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát, thuế", ông Quyền nói thêm.
Ông cũng cho rằng: "Dự án này không lãng phí bởi vì đây là xây dựng mô hình mẫu, mà mô hình mẫu là phải theo tiêu chuẩn định mức của chăn nuôi bò. Đối với chuồng bò đôi (loại 2), Ban Dân tộc sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình 4 con bò, 2 gia đình gần nhau thì gộp lại chuồng đôi. Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của Nhà nước nên ra số tiền như vậy".