Mới đây, một người phụ nữ trẻ ở Đồng Nai đã thắt cổ đứa con 1 tuổi của mình đến chết rồi treo cổ tự tử. Vụ việc đau lòng này lại gióng thêm tiếng chuông cảnh tỉnh về kỹ năng đối diện với những điều bế tắc trong cuộc sống.
Những vụ án đau lòng mẹ giết con rồi tự vẫn
Lúc 17h30 ngày 11/3, tại tổ 10, ấp 6, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), người dân phát hiện chị Trần Thị Hoa (30 tuổi) treo cổ tự tử và con gái Nguyễn Diễm Kiều (SN 2013) bị thắt cổ nằm chết dưới nền phòng tắm.
Qua điều tra bước đầu, cơ quan chức năng xác định chị Hoa tự tử do buồn chán cuộc sống nên viết thư tuyệt mệnh để lại, sau đó dùng dây điện thắt cổ cháu Kiều chết rồi tự tử theo con.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cũng do buồn chán, tuyệt vọng vì người chồng thường rượu chè say xỉn, mắng chửi vợ con, nên nảy sinh ý định giết con rồi tự tử. Cháu bé 3 tuổi thiệt mạng nhưng người mẹ đã được cứu sống và đối diện với bản án giết người.
Ảnh minh họa |
Theo giải thích của các bác sĩ tâm thần, tự tử là hành vi của người mắc chứng trầm cảm lâu ngày, bệnh hoang tưởng hoặc cảm thấy bế tắc, không còn lối thoát trong cuộc sống. Trường hợp những người phụ nữ giết con rồi tự tử là do họ bị bế tắc trong các mối quan hệ gia đình.
Họ bị “mắc kẹt” trong những mâu thuẫn, xung đột nội tâm, những thất bại to lớn, đánh mất những điều có ý nghĩa trong đời sống tình cảm, sự tan vỡ, mất mát các mối quan hệ thân thiết. Họ tự trừng phạt bản thân hoặc tìm đến cái chết như là cách trừng phạt người ở lại. Người có ý định tự tử thường do cảm xúc tiêu cực chi phối quá mạnh đến mức họ bị khủng hoảng tinh thần, mất hết lý trí.
Theo con mắt của nhà Phật, đó là biểu hiện của sự bế tắc do tâm lý sân hận gây nên. Để tránh bị rơi vào sự bế tắc này, chúng ta cần phải học lấy Bài học cuộc sống để đối trị lại sự sân hận trong lòng mình.
Những cách giải tỏa bế tắc
Theo Sư cô Liễu Pháp, trụ trì Ni viện Viên Không (Bà Rịa, Vũng Tàu), có 4 bước để giải tỏa bế tắc:
1. Chung sống hòa bình với những gì mình không thích. Bạn nên trang bị cho mình một tư tưởng rằng trên đời này không có một cái gì hay một người nào hoàn hảo, rằng con người không thể hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, mà là một sự kết hợp của các thuộc tính tốt và xấu ở các mức độ khác nhau.
Bạn cần phải chấp nhận rằng, đã là con người thì đều có thể mắc sai lầm và phải cho người ta có quyền khác với mình, có quyền phạm sai lầm, bởi vì bất toàn là đặc tính chung của toàn nhân loại. Chấp nhận những sai sót, khuyết điểm của chính mình và của người khác là một dấu hiệu của lòng nhẫn nại, bao dung vốn là một thứ thuốc giải độc cho tâm sân hận.
2. Tự trọng. Tự trọng là một vũ khí khác để đối trị tâm sân hận. Bạn hãy nhìn chính mình một cách chính xác, trung thực, không đề cao mà cũng không hạ thấp giá trị hay tầm quan trọng của chính mình. Bạn ý thức được những ưu điểm, nhược điểm của mình, cảm thấy thoải mái với chính bản thân.
Ngài Ajahn Chah, một thiền sư nổi tiếng của Thái Lan, thường dạy các đệ tử của ngài: "Nếu người ta chửi con là chó, thì con hãy nhìn lui xem mình có cái đuôi không. Nếu con có cái đuôi thì họ nói đúng rồi. Còn nếu con không có đuôi, thì cũng đừng lo lắng làm gì. Con không phải là con chó, vậy thì đâu có vấn đề?". Vì vậy, nếu bạn biết rõ giá trị của chính mình, bạn không cần phải tranh đấu để tự khẳng định lại mình khi bị người khác lăng mạ. Lúc đó, bạn sẽ Bình An dù có bị tấn công cách mấy, bởi vì tận sâu thẳm trong lòng bạn biết rằng không một điều gì mà người khác nói hay làm có thể làm thay đổi giá trị, nhân cách của bạn.
3. Đồng cảm. Với tâm đồng cảm, bạn sẽ hiểu rằng những người hay gây hấn chính là những người đang bị tổn thương, rằng những người cố ý hại người khác là do tâm họ không được an lành. Khi ấy, bạn sẽ có cái nhìn từ tâm, dễ tha thứ với những người đó hơn.
4. Hiểu luật nhân quả, nghiệp báo. Ngoài việc học cách để đối trị với sự sân hận, để tránh phạm vào hành vi tự tử đau lòng như trên, bạn cũng nên hiểu rõ luật nhân quả và nghiệp báo. Hiểu rằng, chúng sinh phải trải qua bao kiếp luân hồi sinh tử mới được làm người.
ược làm người là đáng quý, mỗi một giây phút của cuộc sống này là một diễm phúc của kiếp người. Tự tử là gây đau khổ cho mình và cho người thân của mình, nó cũng đồng nghĩa với việc nghiệp bất thiện. Theo lý nhân quả của đạo Phật, một người khi gieo nghiệp bất thiện thì sẽ phải chịu kiếp đau khổ trầm luân trong những kiếp sau.
Xem thêm: 99 lời Phật dậy cần khắc cốt ghi tâm