Thương lái thường kết hợp tiêm thuốc an thần kèm theo bơm nước, do vậy khi bắt gặp các loại thịt mềm, ướt, các sớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc an thần.
Tình trạng lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi mang ra lò giết mổ khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang và lo sợ.
Mới đây, Công an Bình Dương cùng Chi cục Thú y bất ngờ kiểm tra cơ sở thu mua heo ở thị xã Bến Cát và bắt quả tang 6 công nhân đang dùng xô có gắn vòi, bơm nước vào miệng heo và tiêm thuốc an thần vào 10 con heo. Chuồng bên cạnh, hơn 200 con heo đã được bơm nước và thuốc, ngủ li bì.
Loại thuốc mà chủ cơ sở sử dụng được xác định là Prozil fort. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu thuốc này tồn dư trong thịt heo, người ăn thịt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
PGS.TS. Lê Văn Thọ, khoa Chăn nuôi thú y, đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết: “Trường hợp heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi trong thịt còn tồn dư lượng thuốc với nồng độ cao vì thuốc chưa được bài thải ra ngoài hết. Người ăn phải loại thịt này liên tục, lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ nhất là đối với người già và trẻ nhỏ”.
Heo sau khi tiêm thuốc an thần ngủ li bì. Ảnh: Tuổi trẻ |
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ thú y Hoàng Ngọc Báu phụ trách phòng khám Green Vet (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Prozil là một loại thuốc an thần không có phép sử dụng phổ biến trong thú y. Nó chứa hai thành phần chính là Acepromazine và Atropin. Acepromazine có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, giúp an thần, chống căng thẳng, giúp thú vật trấn tĩnh và giảm lo lắng, chống ói mửa. Loại này thường được sử dụng làm thuốc tiền mê trong các ca phẫu thuật để tránh con vật bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch tiết ở đường hô hấp do tác dụng phụ của thuốc mê”.
Bác sĩ Báu nói thêm: “Nguyên tắc an toàn thực phẩm trong giết mổ, dùng bất cứ thuốc gì, kể cả kháng sinh hoặc vitamine trước khi giết mổ cho vật nuôi phải có một khoảng thời gian nhất định để cơ thể đào thải hết tránh tồn dư trong thịt quá mức an toàn cho con người xử dụng thịt. Việc thịt heo có tiêm thuốc an thần vài giờ trước khi giết mổ, trong thịt sẽ tồn dư thuốc với nồng độ cao vì thuốc chưa được bài thải ra ngoài hết. Người ăn loại thịt này về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, có nguy cơ gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu”.
Trong trường hợp heo được tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, PGS.TS Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TP HCM khuyến cáo: “Việc lợn được tiêm bao nhiêu thuốc an thần trước khi giết mổ không thể kiểm soát được. Chính vì thế nếu ăn phải thịt lợn này là ăn phải chất độc hại, dư lượng thuốc sẽ xâm nhập cơ thể, gây rối loạn tiêu hóa, dễ mắc các bệnh về thận, thần kinh... Người tiêu dùng nên thận trọng hơn trong việc lựa chọn thịt, đừng ham chọn những loại thịt có màu hồng đẹp vì có thể thịt đó có tiêm thuốc bảo quản".
TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM), dù VN chưa có nghiên cứu phân tích cụ thể nào về tỉ lệ người bị ảnh hưởng cũng như mức độ tồn dư của các loại thuốc an thần trong thực phẩm, nhưng hiện tượng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe con người. “Cách duy nhất là người tiêu dùng nên tránh những nơi bán thịt không rõ nguồn gốc vì rất dễ bị tiêm thuốc. Ngoài ra, nên đa dạng các nguồn thực phẩm khác nhau để tránh sự tồn dư tích lũy trong cơ thể” - TS Hiền nói.
Theo TS Hiền, rất khó xác định thịt có tiêm thuốc an thần hay không. Việc nhận định bằng cảm quan là không thể, ngoại trừ trường hợp xác nhận có vết tiêm.
|
Theo tiến sĩ Hiền, rất khó xác định thịt heo có tiêm thuốc an thần hay không bằng cảm quan thông thường. |
Theo đó, thương lái thường kết hợp tiêm thuốc an thần kèm theo bơm nước, do vậy khi bắt gặp các loại thịt mềm, ướt, các thớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc. Đối với động vật còn sống, nhân viên thú y kiểm tra tại lò mổ có thể phát hiện thông qua các biểu hiện khi khám lâm sàng.
“Một số xét nghiệm có thể phát hiện sự hiện diện của thuốc tồn dư trong thịt, nhưng đòi hỏi trang thiết bị phòng thí nghiệm và mất thời gian cũng như chi phí. Do đó trách nhiệm chính vẫn là cơ quan thú y trong việc giám sát kiểm tra, các biện pháp chế tài cụ thể” - TS Hiền nói.
An Nhiên (tổng hợp)