Có mặt tại Phòng Hồi sức cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày này, mới chứng kiến được hết công việc vất vả của các thầy thuốc tại “điểm nóng” của căn bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của nhiều đứa trẻ trong hơn 1 tháng nay…
Điều dưỡng Trang đang bóp bóng cho một đứa trẻ |
Đây là một căn phòng đặc biệt. Nó rộng chừng 30 mét vuông với rất nhiều thiết bị máy móc. Những đứa trẻ biến chứng nặng do sởi và các bệnh khác nằm im thiêm thiếp. Các nhân viên y tế lặng lẽ ghi chép các chỉ số từ máy theo dõi, người miệt mài bóp bóng để giúp các cháu thở, người chỉnh sửa lại máy khí rung cho các cháu…
Trên những chiếc giường trắng tinh, những đứa trẻ nằm im bất động, người tím bầm, mắt nhắm nghiền, có đứa trẻ khá hơn thì vươn tay sờ vào tấm bảng tên đeo ở cổ cô điều dưỡng. Cô điều dưỡng đứng im cúi xuống để cho các cháu nghịch và nở nụ cười thật hiền.
Một đứa trẻ đang nghịch bảng tên của bác sĩ |
Căn phòng này là nơi của những đứa trẻ bị biến chứng sởi nặng. Khi được chuyển đến đây niềm hy vọng để trở về được cuộc sống bình thường là cả một cuộc chiến đấu của số phận cũng như công sức của các y bác sĩ. Tại đây, các cháu bé được giao hoàn toàn cho các y bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc, bố mẹ chỉ khi nào cần thiết mới được vào thăm.
Hầu hết những đứa trẻ trong phòng đều nằm im thiêm thiếp thế này... |
“Đợt sởi này, các cháu vào quá đông, nhiều cháu bé đã qua đời tại căn phòng này. Có những ngày nhiều trẻ qua đời làm cho tâm trạng các điều dưỡng, y tá hết sức hoang mang và cảm thấy kiệt sức. Chúng tôi làm việc với cường độ quá lớn, từ 7h30 sáng tới 4h30 chiều họ không được nghỉ trưa, nhiều khi không kịp ăn cơm. Những hôm trực các y bác sĩ ở đây là việc 24/24h.” - một điều dưỡng cho biết.
Cuộc sống của các cháu trong căn phòng này đều nhờ công chăm sóc của các điều dưỡng viên |
Theo chân Bộ trưởng Bộ Y tế vào Khoa Cấp cứu Hồi sức, quan sát thấy công việc của các thầy thuốc vẫn khẩn trương nhưng điềm tĩnh. Cuộc sống dường như chỉ còn có những bức tường trắng và những đứa trẻ nằm im không nói. Điều dưỡng Trần Thị Trang với trang phục blouse trắng, khẩu trang và mũ, chỉ còn chừa đôi mắt hiền từ đang ngồi kiên nhẫn bóp bóng cho một bé bị biến chứng sởi nặng.
Chị Trang cho biết, do thiếu máy thở nên vẫn phải dùng phương pháp thủ công này. Tôi hỏi cô có mỏi tay lắm không? Trang nói: “Cũng mỏi nhưng lúc nào mỏi quá thì phải có đồng nghiệp thay ca. Nhiều hôm bệnh nhân vào nhiều, chúng em rã rời không còn muốn ăn uống nữa. Nhưng vẫn phải cố gắng, các cháu vào đây là giao hết sinh mạng cho mình. Trước những đứa bé, chúng em chỉ biết nỗ lực hết sức mình…”
Tại Khoa Truyền nhiễm, hơn một tháng nay, các bác sĩ, Phó Khoa không còn phòng để ngồi làm việc hay ngồi nghỉ ngơi. Tất cả nhường chỗ cho bệnh nhân. Không khí của khoa ngột ngạt bởi người bệnh, người nhà bệnh nhân, tiếng trẻ con khóc…một người bình thường đứng đó vài tiếng đồng hồ cũng cảm thấy kiệt sức. Trong khi các bác sĩ đã sống, làm việc trong tình trạng quá tải như vậy đã hơn1 tháng nay.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Khoa Truyền Nhiễm cho biết: “Hiện nay Khoa có khoảng 210-220 bệnh nhân. Công việc luôn trong tình trạng quá tải. Nhưng đó là chuyện thường ngày rồi…”. Có lẽ do công việc quá bận rộn cộng thêm sự khiêm tốn, lặng lẽ nên bác sĩ Hải không muốn kể về những nỗi khó khăn vất vả của mình.
Phòng Phó trưởng khoa trở thành buồng bệnh hơn một tháng nay
Bác sĩ Cấn Phú Nhuận - Trưởng phòng khám Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi mỗi ngày tiếp nhận gần 4000 bệnh nhân nhi, cho biết cuộc đời 30 năm làm bác sĩ nhi khoa của ông chưa bao giờ thấy công việc lại áp lực đến thế trong những ngày vừa qua. Bệnh nhân quá đông, bác sĩ phải trực nhiều hơn, nhiều người cũng ốm và kiệt sức do công việc cũng như lây từ bệnh nhân. Ông cho biết, mặc dù bị ho, bị ốm nhưng ông vẫn không nghỉ ngày nào mà vẫn miệt mài làm việc tại phòng khám.
Các bác sĩ ngoài trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân, họ cũng có tâm lý như bao người bình thường khác là sợ lo cho gia đình, con cái. Trên các trang mạng xã hội, nhiều bài viết để phòng tránh bệnh sởi của các bác sĩ cũng được chia sẻ cũng như kêu gọi đưa trẻ đi tiêm chủng. Ngoài trách nhiệm làm chuyên môn, họ cũng là những con người có ý thức vì cộng đồng.