Câu chuyện về bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 17 ở Việt Nam tưởng chừng đã rơi vào quên lãng từ lâu, nhưng mới đây đã được tờ The New Yorker khơi dậy.
Trong bài viết của mình, tờ tạp chí của Mỹ đưa thông tin BN 17 đã bị tổn thương khi phải hứng chịu những sự chỉ trích, kỳ thị trên mạng xã hội. Bài báo cho rằng trường hợp của BN 17 được công khai với dư luận khiến cô này nhận nhiều chỉ trích.
Trước những thông tin không chuẩn xác này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã có những phản hồi về trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 số 17, Theo CDC Hà Nội, BN 17 được xác định là ca dương tính đầu tiên ở Hà Nội, phát hiện vào ngày 6/3. Bệnh nhân có địa chỉ tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
Thời điểm phát hiện ca bệnh số 17 và các ca liên quan, gần như "cả Hà Nội không ngủ". Ngay trong đêm, cả đoạn dài phố Trúc Bạch đã bị phong tỏa và Bệnh viện Hồng Ngọc cũng phải tạm dừng hoạt động, nhiều y, bác sỹ bị cách ly.
Sau đó tại cộng đồng là chuỗi ngày, lực lượng y tế các đơn vị trên địa bàn Hà Nội phải tập trung điều tra truy vết các trường hợp F1, F2, F3 theo lịch trình di chuyển dày đặc của bệnh nhân số 17, mà bệnh nhân ấy đã không khai báo ngay từ đầu.
Trước đó, bệnh nhân số 17 đã đi tới nhiều quốc gia trong đó có Anh, Pháp, Italy, tuy nhiên khi về nước đã khai báo không trung thực.
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định, việc xác định tên tuổi, địa chỉ, lịch trình đi lại chi tiết của trường hợp BN 17 được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các Nghị định, văn bản có liên quan.
Đồng thời, trong các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 đều có yêu cầu phải truy vết từng trường hợp nhiễm bệnh để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.
Theo quy định của Luật, việc thông tin đối với các ca mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, lịch trình chi tiết để phục vụ cho việc truy vết, phòng chống lây nhiễm.
"Với danh tính của các bệnh nhân, kể cả ca bệnh số 17 khi truyền tải ra, đăng tải trên báo chí đều được viết tắt, sau đó, đánh số bệnh nhân và sử dụng số này chứ không nêu tên.
Các hình ảnh của bệnh nhân nếu có cũng là hình minh hoạ hoặc che toàn bộ mặt để đảm bảo quyền nhân thân. Do đó, việc cho rằng quá trình phòng chống dịch, điều trị đã thông tin quá kỹ về danh tính, lịch trình kỹ quá làm lộ thông tin cá nhân là hiểu không đúng", trên Pháp luật và bạn đọc dẫn lời ông Tuấn nói.
Đối với địa chỉ, nơi đi, đến, ở của bệnh nhân, lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, cần phải thông tin chi tiết, để chính quyền địa phương có ngay biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch và người dân xung quanh nắm được, có sự phối hợp trong phòng, chống dịch.
"Các bệnh nhân cần có sự nhìn nhận khách quan, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để thông tin, tránh suy nghĩ lệch lạc gây lo lắng, hoảng sợ cho những người khác. Điều quan trọng nhất là phải truyền tải thông tin chính xác, tránh cho sau này chẳng may có trường hợp khác cũng nhiễm bệnh nhưng đọc ý kiến không chính xác như bệnh nhân số 17 đưa ra lại sợ, hoang mang rồi giấu, không khai báo sẽ rất nguy hiểm", ông Tuấn nêu rõ.