Để góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Theo đó nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tập trung vào 2 Chính sách.
Chính sách 1, tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Mục tiêu của chính sách nhằm mở rộng đối tượng áp dụng, tăng giá trị, thời hạn của thị thực điện tử; tăng thời hạn lưu trú đối với người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực… nhằm góp phần thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhất là người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam để du lịch, khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư…, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…
Theo đó, Bộ này đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam đến ba tháng. Các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên ba tháng được xem xét giải quyết theo quy định của luật hiện hành.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất quy định về thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Mục đích là góp phần thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài là công dân các nước được đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam, tạo thuận lợi cho họ có nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, nếu vào ngắn ngày thì nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, dài ngày hơn (90 ngày) thì lựa chọn thị thực điện tử.
Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Về lý do lựa chọn giải pháp, Bộ Công an cho biết, qua thời gian thực hiện thí điểm và triển khai chính thức chính sách thị thực điện tử cho thấy thị thực điện tử với thủ tục hành chính công ở mức độ cao nhất, có tính cạnh tranh vượt trội so với chính sách thị thực của các nước trong khu vực và thế giới về sự thuận tiện, thông thoáng, công khai và minh bạch.
Việc tiếp tục nghiên cứu mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng áp dụng và giá trị, thời hạn sẽ phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, góp phần thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF); Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày để tương đồng với thời gian miễn thị thực của các nước, nâng cao tính cạnh tranh nhằm thu hút khách du lịch.
Luật hiện hành chỉ quy định các trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích, chưa nêu rõ trường hợp nhập cảnh miễn thị thực đơn phương có được tiếp tục ở lại sau khi hết hạn tạm trú.
Chính sách 2, hoàn thiện một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; nhất là công tác quản lý cư trú của người nước ngoài nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập xuất cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật.
Theo đó, Bộ Công an điều chỉnh quy định về khai báo tạm trú và bổ sung trách nhiệm của người nước ngoài đối với việc khai báo tạm trú nhằm gắn trách nhiệm của người nước ngoài và cơ sở lưu trú trong việc chấp hành quy định về khai báo tạm trú.
Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (bên cạnh cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh) có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Về lý do lựa chọn giải pháp, Bộ Công an cho biết, việc bổ sung trách nhiệm của người nước ngoài và cơ sở lưu trú trong việc khai báo tạm trú góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trước xu thế người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không do cơ quan, tổ chức, cá nhân mời bảo lãnh (bằng thị thực điện tử, thẻ doanh nhân APEC, theo diện miễn thị thực đơn phương, song phương...) ngày càng tăng, cần thiết phải bổ sung quy định về trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.