Mới đây, một loại thuốc thiết yếu của Mỹ đã bị tăng giá gấp 55 lần chỉ sau một đêm từ 13,5 USD lên 750 USD/viên.
Theo tin tức từ NyTimes, các chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm đang phản đối sự tăng giá “khủng khiếp” của một loại thuốc thiết yếu đã có mặt trên thị trường Mỹ từ 62 năm nay.
Cụ thể, sau khi mua bản quyền sản xuất thuốc Daraprim, công ty dược phẩm Turing của Mỹ đã tăng giá gấp 55 lần về loại thuốc thiết yếu này, từ 13,5 USD lên tới 750 USD/viên.
Daraprim (pyrimethamine) - thuốc trị bệnh toxoplasmosis là thứ bệnh nhiễm giun từ động vật - căn bệnh liên quan tới thực phẩm phổ biến thứ hai, mà những người bị AIDS hoặc ung thư rất dễ nhiễm. Bệnh này có thể ảnh hưởng tới não và dẫn tới bị mù hoặc tổn thương não.
Theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh, khoảng 60 triệu người ở Mỹ có thể bị nhiễm giun từ động vật, vốn có thể ảnh hưởng tới não và dẫn tới bị mù hoặc tổn thương não nên Daraprim được ghi vào danh mục thuốc thiết yếu.
Giá thuốc Daraprim bị tăng giá gấp 55 lần chỉ sau một đêm. Ảnh minh họa |
Tiến sĩ Judith Aberg, một phát ngôn viên của Hiệp hội thuốc HIV cho biết: "Đó là mức tăng khủng khiếp, ngay cả những bệnh nhân có bảo hiểm cũng gặp rắc rối trong việc chi trả tiền thuốc. Đó là vì các công ty bảo hiểm thường đặt các loại thuốc giá cao vào mục đặc biệt, vốn đòi hỏi bệnh nhân phải trả hàng trăm hoặc thậm chí là hàng nghìn đô la một năm. Các bệnh nhân có bảo hiểm nhưng vẫn phải chi trả 20% chi phí sẽ buộc phải trả 150 USD/viên".
Các tổ chức phi lợi nhuận cũng lên tiếng phản đối quyết định của công ty dược phẩm Turing. "Với mức giá như hiện nay, những bệnh nhân với trọng lượng cơ thể dưới 60 kg phải trả 336.000 USD một năm để điều trị cho bệnh toxoplasmosis, còn những bệnh nhân với trọng lượng cơ thể hơn 60 kg thì phải phải trả 634.500 USD để mua Daraprim" – bức thư ngỏ viết.
Tuy nhiên, Craig Rothenberg, một phát ngôn viên của Turing biện hộ, việc tăng giá thuốc là nhằm tài trợ cho các nghiên cứu thêm về cách trị bệnh nhiễm giun từ động vật. Theo ông này, công ty đang phối hợp với bệnh viện và các nhà cung cấp để cùng thanh toán cho các chương trình hỗ trợ.
"Đây không phải là trường hợp khi một công ty dược phẩm tham lam cố gắng lừa đảo các bệnh nhân, trên thực tế chúng tôi đang cố gắng tiếp tục hoạt động kinh doanh" — ông nói. Theo ông, việc tăng giá thuốc sẽ không ảnh hưởng mạnh đến hệ thống y tế của đất nước, vì thuốc này ít được sử dụng. Hiệp hội y tế không đồng ý với quan điểm này.
Bảo An (NyTimes)