Bệnh nhân nữ được người chồng không học ngành y nhưng đi học tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ tư nhân và mua filler với giá 1,2 triệu đồng về thực hành tiêm cho vợ. Sau khi tiêm, bệnh nhân đau nhức, mờ mắt phải.
Trí Thức Trẻ đưa tin, ngày 19/11, PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, vào tối 16/11, khoa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (18 tuổi, ngụ TP.HCM) bị biến chứng đau nhức, sưng tím vùng da quanh trán, mắt phải mờ dần sau khi tiêm filler.
Qua thăm khám, bác sĩ Hùng chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt phải. Nữ bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại khoa Mắt nhưng khả năng cải thiện thị lực không khả quan.
Cô gái 18 tuổi bị mù mắt do tiêm filler. Ảnh: BSCC |
Bệnh nhân được người chồng không học ngành y nhưng đi học tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ tư nhân và mua filler với giá 1,2 triệu đồng về thực hành tiêm cho vợ. Sau khi tiêm, bệnh nhân đau nhức, mờ mắt phải, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Các bác sĩ cho biết, nữ bệnh nhân bị mù mắt phải do tiêm filler, không có cách nào cứu chữa. Trên thế giới chưa ghi nhận ca nào hồi phục, bệnh nhân sẽ mù vĩnh viễn. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi các biến chứng khác.
Bệnh nhân cho biết trước khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, họ đã đưa nhau đến vài tiệm spa để được tiêm thuốc giải filler nhưng không thành công. Nạn nhân cũng không mang theo chai thuốc chứa chất làm đầy nên các bác sĩ không biết rõ người chồng đã tiêm loại filler nào vào mũi vợ.
Filler có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, chỉ 10-15 phút có thể tạo được sống mũi cao không cần phẫu thuật, nghỉ dưỡng nên được rất nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, phương pháp tồn tại một số hạn chế như không khắc phục được nhược điểm vùng đầu mũi, cánh mũi. Tiêm chất làm đầy tại các cơ sở không đảm bảo, chưa được cấp phép có thể bị nhiễm trùng do vô trùng kém. Chúng chỉ an toàn nếu tiêm đúng kỹ thuật, đánh giá đúng tình trạng cơ thể và liều lượng thích hợp.
Trang Vũ (tổng hợp)