Theo tin tức từ Tri thức trực tuyến, Tiền Phong, kết luận tại phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia thành phố chiều 20/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhắc tới tình trạng đang được quan tâm ở Việt Nam về Covid-19.
“Có những ổ dịch có những lúc tưởng như không vượt qua được, hoặc tiềm tàng lây nhiễm rất lớn nhưng TP vượt qua được, ngăn được”, ông Chung cho biết.
Chủ tịch Hà Nội khẳng định hiện tượng bệnh nhân 188 dương tính với Covid -19 trở lại sau khi ra viện, khi nhập viện xét nghiệm lại âm tính là không lạ, bởi đến nay chưa có vaccine chữa được virus này hoàn toàn. Hiện các nhà khoa học cũng xác định virus có biến thể, việc dùng các loại thuốc mới chỉ tăng cường miễn dịch, kháng thể, còn virus vẫn có thể nằm trong cơ thể và tăng trở lại.
Vì vậy, theo ông Chung, các trường hợp dương tính sau khi được điều trị, âm tính và ra viện, khi trở về nhà cần tổ chức cách ly tiếp 14 ngày. “Việc này phải bảo đảm 100%. Thành phố khuyến khích các trường hợp dương tính sau điều trị được về nhà nên cách ly trong 30 ngày cho an toàn”, ông Chung nói.
Ngoài ra, các trường hợp từ nước ngoài về, sau khi rời khỏi trung tâm cách ly tập trung, ông Chung đề nghị các địa phương tuyên truyền những người này tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày, thậm chí khuyến khích thời gian cách ly lâu hơn, bởi các trường hợp này đi ra ngoài vẫn có thể phát tán virus mà chính họ không biết.
“Từ tình hình này, nếu đến 22/4, địa bàn nóng bỏng như Hà Nội nếu không phát hiện ca nhiễm nào mới sẽ có thể hạ mức nguy cơ. Thành phố sẽ có chỉ thị mới nhưng chắc chắn không gỡ hết lệnh cách ly xã hội, đặc biệt với nơi công cộng hay nơi có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Ông lưu ý không thể chủ quan, bởi việc ủ bệnh, lây nhiễm có thể kéo dài hơn 30 ngày.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của các đơn vị. Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu triển khai test nhanh Covid -19 tại chợ đầu mối Minh Khai, chợ Phùng Khoang… và nêu rõ: “Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt việc xét nghiệm ở 5 chợ đầu mối. Qua kết quả này, có thể đánh giá ở các đầu mối với lượng giao dịch, đi lại nhiều nhưng vẫn chưa phát hiện ca nghi ngờ là phần nào giảm bớt nguy cơ”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Nội cũng cảnh báo: “Không có ca nào dương tính không có nghĩa là chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng để phòng chống dịch tốt. Đây mới là con số phần nào cho biết về nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng. Chỉ khi có 60-70% dân số trở lên có kháng thể trong cơ thể thì miễn dịch cộng đồng mới tốt, mới phòng ngừa được dịch”.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 31 của Thành ủy và Chỉ thị 05 của UBND TP; xử lý nghiêm với các cửa hàng không thiết yếu mở cửa trở lại; người dân không đeo khẩu trang khi ra đường.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các cửa hàng ăn uống, mát xa, karaoke; khuyến cáo người dân không đi tập thể dục… Trên tinh thần phải cấm triệt để, thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn yêu cầu Sở Y tế rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua ở các quận huyện. Qua đó, báo cáo lại Ban chỉ đạo TP số lượng thiết bị đã mua và tiếp tục triển khai mua sắm trang thiết bị thiết yếu khác.
Ông Chung giao Sở Công Thương Hà Nội thành lập đoàn liên ngành cùng sở Tài chính, Công an TP rà soát lại toàn bộ quá trình mua sắm trang thiết bị y tế từ các bệnh viện đến các công ty cung cấp trang thiết bị y tế, vật tư cho các hoạt động chống dịch.
“Qua việc kiểm tra này để đánh giá các đơn vị này có đủ năng lực hay không, trang thiết bị y tế có đảm bảo chất lượng hay không. Sở Công Thương rà soát về giá trang thiết bị y tế; Sở Tài chính tham gia kiểm tra về đơn giá, định mức để xem các đơn vị thực hiện có hiệu quả hay không, mua bao nhiêu, còn bao nhiêu”, ông Chung giao nhiệm vụ.