Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm có hai ngày lễ lớn là lễ Xá tội vong nhân và Vu lan báo hiếu cha mẹ.
Nhưng về bản chất hai tập tục khác nhau về ý nghĩa và nguồn gốc.
Theo Người đưa tin và Dân Trí cho biết hầu hết các gia đình đều cúng Rằm tháng 7 trong khoảng thời gian từ 2/7 đến trước 12h đêm ngày 14/7 Âm lịch.
Lý giải về tập tục này, chuyên gia Phong thủy Lê Thái Bình (chủ nhiệm câu lạc bộ Thiền Việt, viện Nghiên cứu tiềm năng con người) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
"Qua ngày mùng 1 sang canh ngày 2/7 - 14/7 là ngày các vong hồn được về với dương giới theo quan niệm dân gian. Và những vong hồn có tội thì có thể được xá tội trong những ngày này, Diêm Vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để những linh hồn này có thể trở về trần gian và được thọ hưởng những lễ vật ở trần gian do người dương thế cúng tế. Đây là một quan niệm dân gian, từ trước đến giờ tục lệ người dân Việt vẫn thường cúng tế vào những ngày này”, chuyên gia phong thủy Lê Thái Bình nói.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - TGĐ Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, thực tế điều này xuất phát từ các truyền thuyết dân gian. Người xưa quan niệm ngày 15/7 âm lịch là ngày giới hạn của kỳ "mở cửa", sau ngày này người cõi âm sẽ không thể nhận đồ được nữa.
Thời gian thực hiện cúng rằm tháng 7, người xưa thường thực hiện lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên vào ban ngày.
Đối với lễ cúng cô hồn thường diễn ra vào buổi chiều tối.
Nơi cúng cô hồn thường được đặt ở vỉa hè, khu vực ngã ba, cổng làng.
Không nên đặt mâm cúng trong nhà hoặc phạm vi nơi ở. Việc cúng cô hồn tiến hành sau khi đã cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên.
Trong tín ngưỡng của người Việt, sau khi cúng cô hồn xong phải thực hiện việc mời các vong đi, tức là phải có thủ tục “tiễn khách” để tránh đưa vong hồn vào nhà. Ở một số nơi, người dân còn vãi gạo, muối ra sân, đường làng.