Các chuyên gia văn hóa đều cho rằng quan niệm tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn gắn với nhiều điều xui xẻo, không may mắn...là sai lầm, mê tín dị đoan.
Chia sẻ trên báo Dân Trí, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự , Trưởng ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong Phật giáo không có tháng nào là tháng cô hồn mà chỉ có mùa Vu lan báo hiếu ứng với tháng Bảy âm lịch hàng năm.
Theo đó, trong Phật giáo có "tứ ân" (bốn ơn) bao gồm: Ân Tam Bảo, ân Quốc gia xã hội, ân Cha mẹ sinh thành - Thầy cô dạy bảo và ân tất thảy mọi loại chúng sinh.
Riêng tháng Bảy âm lịch hàng năm, người ta nặng về báo ân cha mẹ nên mới có câu "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Bảy". Do đó, hình thành nên mùa tri ân - báo ân còn gọi là mùa Vu Lan báo hiếu.
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm. Ảnh: Dân Trí |
Trọng tâm của lễ Vu Lan báo hiếu nhằm giáo dục cho người Phật tử về lòng hiếu thảo, nhớ ơn các đấng sinh thành để từ đó mà tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo và thiện tâm với cuộc đời.
Trong Phật giáo, tháng Bảy cũng là tiết "xá tội vong nhân" vì nhờ ơn của đức Phật mà tất cả các vong linh bị đọa trong chốn khổ đau được siêu thoát.
Vì thế, vào những ngày này, người ta thiết lễ để cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ...nhằm tỏ lòng hiếu đạo, đồng thời cũng sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung) thường gọi là thí thực cô hồn.
Theo Phật giáo, cần phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ mả, chết không thờ tự hay còn gọi là cô hồn.
Đây là một nét đẹp mang tính nhân văn và cao cả của Phật giáo Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhiều năm trở lại đây, phong tục này đang có xu hướng bị hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng nhuốm màu tà kiến, mê tín.
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, quan niệm kiêng mua bán, kiêng đi lại, kiêng ký kết, kiêng cưới hỏi, kiêng hợp tác làm ăn... trong tháng Bảy âm là không đúng. Tháng Bảy trong Phật giáo được coi là tháng tốt, mọi việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không phải kiêng kị.
“Chúng tôi là những người sống qua nhiều thời kỳ nhưng chưa bao giờ thấy quan niệm sai lầm và biến tướng như ngày nay về tháng Bảy. Ngày xưa, ông bà không bao giờ quan niệm tháng cô hồn hay tháng Bảy là tháng xui xẻo nên không có chuyện kiêng kị tới mức cực đoan.
Chỉ có kiêng kị một chút về tháng Ngâu là tháng mưa gió thất thường nên việc đi lại phải dè chừng cẩn trọng, nhất là đi thuyền bè, tàu xe... Những quan niệm sai lầm về tháng cô hồn đã làm ảnh hưởng không ít đến đời sống và sinh hoạt của người dân”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Vietnamnet cho hay theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt được truyền từ đời này sang đời khác.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: Vietnamnet |
Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi, phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đày xuống địa ngục.
Hàng năm, người Việt thường cúng cô hồn từ ngày mùng 2 đến hết ngày 15 tháng 7 âm lịch.
Cũng theo ông Vỹ, trong dân gian thường lưu truyền 18 điều không nên làm trong tháng cô hồn.
Tuy nhiên, dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa, ông Hùng Vĩ khẳng định đây là tập tục được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, các gia đình nên coi là dịp cúng bái tưởng nhớ tổ tiên, tích cực làm việc thiện chứ không nên sa đọa, hoang phí đốt vàng mã, mâm cao cỗ đầy.
Việc kiêng kị trong tháng cô hồn là thiếu cơ sở khoa học và đây chỉ là thói quen và tâm lý "có kiêng có lành" của người Việt.
1. Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi con người ngủ sẽ dễ bị chúng quấy phá. 2. Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm trong những ngày tháng cô hồn nếu không sẽ dễ gặp điều không may. 3. Không được nhổ lông chân vào ngày này vì dân gian cho rằng “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần. 4. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ đến. 6. Không phơi quần áo vào ban đêm vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong các quần áo ấy. 7. Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu. 8. Không nên bơi lội vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trặc trẹo chân. 9. Không hù doạ người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc” dễ bị ma quỷ xâm nhập. 10. Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó. 11. Không nên thức quá khuya, vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm “quỷ khí”. 12. Nơi góc tường xó tối là những chỗ ma quỷ thường tụ tập nghỉ ngơi, không nên đến gần những chỗ ấy. 13. Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng. 14. Khi đi đến qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác “hình như” có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình. Vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc. 15. Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn. 16. Không cắm đũa đứng giữa bát cơm vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung. 17. Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá. 18. Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt. |
Minh Di (tổng hợp)