Cô giáo Đặng Thị Phương Thảo gợi ý thí sinh làm nhiều và tràn lan không bằng làm chắc từng dạng một xong mới chuyển sang dạng tiếp theo và hình thức trình bày rõ ràng, mạch lạc cũng là cách để ghi điểm.
Chia sẻ với PV Người đưa tin, cô giáo Đặng Thị Phương Thảo (giáo viên dạy Toán lớp 12 trường THPT Giao Thủy, Nam Định – người vừa trúng cử đại biểu quốc hội khóa XIV) đã chia sẻ những bí quyết cụ thể để thí sinh có thể ghi điểm trong đề thi THPT quốc gian môn Toán.
Theo cô Thảo, đề thi môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia, những năm qua thường phân bố đều kiến thức trong chương trình cả ba khối 10, 11, 12. Vì vậy, học sinh cần để ý đến những mảng kiến thức này ngay từ lớp 10 hay có kế hoạch học tập dài hơi.
Cô giáo Đặng Thị Phương Thảo tại Hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh Nhân vật cung cấp. |
Nhấn mạnh học sinh chú ý trong cách làm bài, cô Thảo chia sẻ, làm nhiều và tràn lan không bằng làm chắc từng dạng một xong mới chuyển sang dạng tiếp theo. Khi đó, nhiều bài toán như phương trình, bất hay hệ phương trình chỉ cần nhìn qua hay nháp không nhiều, các em đã có thể “ngửi mùi” được phương pháp cần dùng là gì.
Hay như phần hình học trong mặt phẳng Oxy, qua quá trình làm đa dạng như vậy, các em sẽ tích lũy được nhiều tính chất để liên kết với đề bài và dự đoán đúng hướng, có được cách làm đi đến kết quả chính xác.
Không chỉ chú trọng vào kiến thức, học sinh cũng cần phải chú ý đến kỹ năng trình bày là ý kiến mà cô Thảo chia sẻ.
Cô Thảo nhấn mạnh, các em không không viết tắt, không quên điền điểm hay thể hiện trên hình những yếu tố tự tạo thêm.
Khi bước vào phòng thi, các em cần bình tĩnh đọc đề và phân loại các câu để làm từ dễ đến khó. Thông thường, học sinh sẽ làm những câu đầu tiên theo thứ tự mà đề thi sắp xếp sẵn – đó là những câu cơ bản, các em sẽ dễ dàng vượt qua để dành cho mình điểm 6 một cách chắc chắn.
Theo cô Thảo, những câu mà theo “mô típ” ăn điểm khá, giỏi thường như là: Câu hình học không gian (không gắn với tọa độ Oxyz) có hai ý (0,5 điểm mỗi ý): Ý thứ hai sẽ “ăn” điểm 7; Câu hình học trong mặt phẳng Oxy ứng với điểm 8; Làm được câu phương trình, bất phương trình hay hệ phương trình các em đã được điểm 9; Câu bất đẳng thức cuối cùng để được điểm 10 là khó nhất.
Tuy nhiên, không loại trừ đề ra có yếu tố mới, bất ngờ khi có câu thường là cho ở mức độ cơ bản thì nay nâng cao hơn, các em cần bình tĩnh, nhớ rằng mình đã “rà soát” kín kiến thức chỉ cần huy động chúng là sẽ làm được bài.
Lê Vy (tổng hợp)