Cô giáo Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên trường THPT Giao Thủy, Nam Định là một trong số rất nhiều gương mặt trẻ trúng cử đại biểu quốc hội khóa XIV.
Chia sẻ với PV Người đưa tin, cô Thảo cho biết, khi biết mình trúng cử ĐBQH khóa XIV vừa mừng lại vừa lo vì những cố gắng, nỗ lực của mình được mọi người tin tưởng nhưng lo vì trách nhiệm phía trước rất nặng nề.
"Tâm trạng của tôi khi đó là vừa mừng lại vừa lo. Trong đó vui mừng và tự hào là những cảm giác đầu tiên. Vui vì sự cố gắng, nỗ lực cũng như năng lực của mình đã được cử tri ủng hộ, tin tưởng. Tự hào vì sẽ được đại diện cho cử tri nói lên tâm tư, nguyện vọng với các cơ quan nhà nước, với Quốc hội.
ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Dương Thu |
Tuy nhiên, đan xen trong niềm vui mừng không khỏi có những lo lắng. Mặc dù đã từng tham gia các hoạt động của Đoàn thể, nhưng với tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, việc trở thành ĐBQH - phải đảm đương nhiệm vụ chính trị to lớn, tôi không khỏi băn khoăn. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, khi biết mình trúng cử ĐBQH khóa XIV, tôi thấy lo nhiều hơn là mừng", cô Thảo chia sẻ.
Trước câu hỏi: Là một giáo viên, khi hoạt động Quốc hội, cô giáo mong muốn thay đổi điều gì và sẽ quan tâm đóng góp những vấn đề giáo dục nào? Cô Thảo cho biết, bên cạnh nhiều vấn đề khác còn đang tồn tại trong ngành giáo dục, vấn đề "nóng" nhất mà cô quan tâm là tình trạng sinhh viên thất nghiệp sau khi ra trường.
Cô Thảo cho biết: "Có ba vấn đề giáo dục nổi cộm muốn lưu ý khi hoạt động Quốc hội:
Thứ nhất, là tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số học sinh, sinh viên vẫn đang xảy ra; như: Bạo lực học đường, gây rối trật tự trị an, cách hành xử với thầy cô, cha mẹ, … đôi khi còn gây bất bình trong dư luận.
Thứ hai, là việc định hướng sớm nghề nghiệp cho học sinh. Chúng ta đã nghĩ đến, đã làm, song còn hời hợt, chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Vì vậy mà sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều bạn trẻ băn khoăn đứng giữa “ngã ba đường”, không biết nên dừng việc học để đi lao động chân tay, đi học nghề hay tiếp tục học các trường đại học, cao đẳng, mà nếu có học thì sẽ học trường nào? Học ngành gì? Liệu lựa chọn của bản thân có phù hợp với năng lực của mình không?...
Thứ ba, vấn đề “nóng bỏng” mà chúng ta đều đang quan tâm: Đó là tình trạng sinh viên sau khi ra trường không có việc làm hoặc lao động không đúng ngành nghề được đào tạo. Điều đó thể hiện một sự lãng phí lớn về chất xám đối với nguồn nhân lực nước nhà, một sự lãng phí không nhỏ về kinh tế mà người dân đã bỏ ra cho con em theo học chuyên nghiệp. Đã có một số nhận xét còn cho rằng: Giáo dục của chúng ta đang là giáo dục để đấy, chưa có trách nhiệm với việc đào tạo của mình, kéo theo hệ lụy nêu trên".
Nói về mong muốn của mình khi hoạt động Quốc hội, cô Thảo chia sẻ: "Tôi mong muốn sẽ góp phần kiến nghị, tham mưu với ngành giáo dục nói riêng và các cơ quan, ban ngành có liên quan nói chung để có thể giải quyết trong thời gian sớm nhất những vấn đề này".
Lê Vy (tổng hợp)