Rau má là loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất. Tuy nhiên, loại rau này có tính hàn cao vì thế không nên quá lạm dụng.
Rau má là một loại rau được dùng để làm các món ăn và giải khát khá phổ biến trong mùa hè. Loại rau này được biết đến với nhiều Công dụng có lợi cho sức khỏe như lợi tiểu, chống táo bón,làm đẹp da.
Rau má là cây nhỏ, mọc bò, thân rất mảnh, lá mọc so le - thường tụ họp 2-5 lá ở một mấu, mép khía tai bèo.
Thành phần chính của rau má bao gồm: Beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, iron, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, zinc và các loại vitamin B1, B2, B3, C, K.
Theo Đông y, rau má vị đắng tính hàn. Vào 3 kinh can, tỳ và thận. Công dụng: thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, giải độc, lợi sữa. Dùng chữa rất hiệu quả các bệnh về mùa hè, tiết tả, lỵ, viêm họng, mắt đỏ, dị ứng mẩn ngứa, nhọt độc, lở loét...
Rau má có vị đắng, tính hàn |
Tác dụng làm đẹp và chữa bệnh từ rau má:
Làm đẹp da, chống lão hóa
Hoạt chất Asiaticosid trong rau má tác động lên một số tế bào biểu bì, kích thích sự sừng hoá và tác dụng đến sự phân chia tế bào làm lành nhanh vết thương ngoài da. Ngoài ra, những chất chống oxy hoá, khoáng chất trong rau má có thể làm chậm sự lão hoá làn da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da làm cho da căng đầy sức sống và bề mặt da săn chắc hơn, cải thiện vi tuần hoàn và chữa những chứng bệnh ngoài da thường gặp.
Hạ sốt
Khi trẻ bị sốt có thể dùng rau má, rửa sạch, vò nát, đổ xâm xấp nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 phút rồi chắt ra cốc lớn. Cứ khoảng một tiếng cho trẻ uống vài thìa. Trẻ sẽ giảm sốt.
Nước rau má có tác dụng hạ sốt |
Trị mụn
Nhiều người nghiên cứu cho thấy hoạt chất của rau má là những saponin (axit asiatic, axit brahmic) có tác dụng giúp các mô liên kết tái tạo nhanh chóng làm tổn thương mau lành và lên da non, giúp trị mụn hiệu quả. Ngày nay có nhiều loại thuốc trị mụn viên nang được chiết suất từ tinh chất rau má có tác dụng điều trị rất tốt.
Làm lành vết thương
Rau má có chứa hóa chất được gọi là triterpenoids có công dụng tăng tốc độ chữa lành vết thương, tăng cường chất chống oxy hóa tại vị trí vết thương, tăng cường da và tăng cung cấp máu cho khu vực bị thương.
Chữa ho, viêm họng
Rau má rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt đặc, hòa thêm với đường cho dễ uống. Trẻ em ngày hai lần, mỗi lần 1/2 bát ăn cơm; người lớn uống ngày hai lần, mỗi lần một bát ăn cơm. Uống liên tục 5 - 7 ngày.
Trị bệnh táo bón
Rau má 30g giã nát đắp uống nước, bã đắp lên rốn.
Những tác hại không ngờ từ rau má:
Ảnh hưởng đến tiêu hóa
Rau má có tính hàn, có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy nhẹ. Rau má thường được uống sống nên quá trình chế biến nếu không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người dùng.
Tiêu chảy
Rau má là loại rau có tính hàn, có công dụng giải nhiệt. Nhưng đồng thời, sử dụng nhiều cũng dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy. Đặc biệt với người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng thì càng dễ tiêu chảy. Do đó, khi sử dụng rau má, bạn nên ăn thêm một lát gừng để làm ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau má.
Làm giảm tác dụng của thuốc
Theo tin tức trên báo Chất lượng Việt Nam, rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm... Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.
Một ngày mỗi người bình thường có thể dùng một cốc rau má, tương đương với khoảng 40 gram rau má trở lại, nhưng cũng không nên uống quá một tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp.
Ngoài ra, Học viện Y tế tại Hoa Kỳ và châu Âu cũng đã đưa ra khuyến cáo rằng rau má mặc dù an toàn nhưng không nên sử dụng quá 6 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ, những người mắc bệnh gan hoặc có tiền sử các bệnh tổn thương da, ung thư không nên dùng…
Bảo An (tổng hợp)