Trưởng công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) cho biết, công an phường không nhận được thông tin xã hội đen đến đòi nhà, đẩy cụ Cúc (95 tuổi) ra ngoài đường.
Liên quan đến vụ việc, cụ bà Nguyễn Thị Cúc (95 tuổi) bị đẩy ra đường vào những ngày giáp Tết Nguyên đán khiến dư luận xôn xao, chiều ngày 13/2, Trung tá Hoàng Đức Thọ - Trưởng công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) trao đổi trên báo Đời sống và Pháp luật:"theo tìm hiểu, sổ đỏ ngôi nhà số 21 Ấu Triệu ngày trước đứng tên anh Hoan và anh Chung, con trai cụ Cúc. Tuy nhiên, cả ông Hoan và ông Chung đã viết giấy bán nhà cho bà Phượng (Hà Nội). Bà Phượng đã cầm sổ đỏ sang tên chủ, sau đó bán cho bà Phương. Bà Phương tiếp tục làm sổ đỏ sang tên mình".
Cụ bà "bị đẩy ra đường" trong giá rét những ngày cận Tết Nguyên đán.
Ngày 10/2, bà Oanh dọn về nhà đúng theo ủy quyền thì thấy gia đình bà Cúc vẫn ở đây. Bà Oanh đã ra thông báo với chính quyền, công an.
Nhận được thông tin, Công an phường cùng với chính quyền cơ sở đã mời cả 2 bên gồm bà Oanh và vợ chồng anh Hoan ra công an phường thu thập thông tin ban đầu. Tại đây, phía gia đình ông Hoan không đưa ra được bằng chứng chứng minh có quyền hợp pháp đối với ngôi nhà số 21 Ấu Triệu.
Công an phường đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố…, tác động các con cụ Cúc đưa cụ về nhà con trai, con gái để đảm bảo sức khỏe cho cụ Cúc.
Công an phường Hàng Trống khẳng định, thời điểm công an có mặt tại đây không có việc tụ tập đông người, cũng không hề có việc các đối tượng xã hội đen đến nhà cụ Cúc đập phá tài sản…, Công an cũng không nhận được phản ánh của gia đình cụ Cúc về việc cụ bà 95 tuổi bị đưa ra khỏi nhà.
Trước câu hỏi gia đình cụ Cúc cho rằng, việc viết giấy bán nhà chỉ là hình thức hợp thức hóa vay tiền còn giá trị thực tế của căn nhà là vượt xa so với số tiền vay? Trưởng Công an phường cho biết, công an phường chỉ có chức năng thu thập thông tin và hiện tại đã lập hồ sơ trình lên cơ quan điều tra.
Trả lời câu hỏi của PV về giải pháp giải quyết vụ việc, ông Thọ cho biết Công an phường tiếp tục phối hợp với tổ dân phố và các lực lượng chức năng vận động gia đình đưa cụ Cúc về nơi tạm trú, là nhà con gái, nhà người thân để tránh cho cụ khỏi giá rét.
Luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng VP Luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, có căn cứ để khẳng định các đối tượng trên đã xâm phạm đến quyền lợi ích của công dân về chỗ ở của người khác, theo điều 46 của Bộ luật Dân sự.
“Trong trường hợp này cần phải có một bản án được pháp luật và cơ quan có thẩm quyền mới là người được yêu cầu bà cụ ra khỏi nhà. Do vậy, việc tự ý bê cụ Cúc ra khỏi nhà là một hành vi có thể cấu thành tội phạm”.
Để làm sáng tỏ vấn đề, luật sư Hòe phân tích, từ lời khai của người nhà cụ Cúc, tài sản trên được đăng ký tên con trai (ông Hoan), theo quy định pháp luật. Nếu tài sản này là của hộ gia đình, thì tất cả những người trong hộ gia đình này đều phải ký kết hợp đồng bảo lãnh hoặc thế chấp hoặc chuyển nhượng.
Về việc gia đình cụ Cúc cho rằng viết giấy bán nhà chỉ là thủ tục hợp pháp để vay tiền, Luật sư Hòe đưa ra quan điểm: “Việc cầm cố hoặc mua bán có đúng theo quy định của pháp luật hay không, cầm phải được cơ quan chức năng làm rõ ?”.
“Theo quy định của pháp luật, giao dịch cầm cố này có thể được Tòa án tuyên hoặc hủy nếu đủ điều kiện cho rằng đây là một giao dịch bị lừa dối?”, Luật sư Trương Quốc Hòe phân tích.
Theo gia đình cụ Cúc cho biết, ngôi nhà số 21, phố Ấu Triệu trước đây thuộc quyền sở hữu của cụ Cúc. Cụ Cúc hiện đang bị bại liệt, đau ốm và không thể tự chăm sóc được bản thân.
Năm 2010, cụ Cúc sang tên cho con trai là ông Hoàng Văn Hoan. Kể từ thời điểm đó đến nay, ông Hoan vẫn đang quản lý, sử dụng ngôi nhà này.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Hoan, cuối năm 2011, ông Hoan có cho em gái là bà Hoàng Thị Trung Thu mượn sổ đỏ để đi vay số tiền 4 tỷ đồng từ bà Phượng (Hoàng Cầu, Hà Nội) về làm ăn kinh tế. Để hợp thức hóa mọi thủ tục vay mượn, gia đình ông Hoan đã làm hợp đồng chuyển nhượng nhà cho bà Phượng.
Đầu năm 2012, bà Phượng yêu cầu bà Thu trả tiền gồm cả gốc và lãi lên tới hơn 5,5 tỷ đồng
“Lúc đó, em gái tôi đã mượn tiền từ ông Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội – PV) với số tiền chênh hơn tiền vay để trả lại cho bà Phượng. Thủ tục vay và trả giữa các bên được giao dịch trực tiếp tại một ngân hàng nằm trên đường Quang Trung (Hà Nội). Vì không hiểu biết nên em gái tôi không yêu cầu giấy tờ cam kết gì.
Bản thân gia đình tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao sổ đỏ giờ lại chuyển sang tên của Phương (là con gái của ông Phú)” – ông Hoan cho hay.
Tuy nhiên, khi thời điểm bà Thu có tiền và muốn trả tiền cho ông Phú thì cũng là lúc ông Phú không có mặt tại địa phương (hiện ông Phú đang đi tù – PV).
Theo báo Đời sống và Pháp luật