Theo tin tức từ Sức khỏe & Đời sống và Tri thức trực tuyến, BS. Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân 867 dù đã tạm thời cắt sốc nhưng tình trạng hô hấp cải thiện không nhiều. Chức năng phổi của bệnh nhân hiện đã bị tổn thương khoảng 60%.
Bệnh nhân 867 là ông V.D.B., 63 tuổi, trú tại Bình Giang, Hải Dương, được Bộ Y tế công bố ngày 12/8. Trước đó, ông có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, từng khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn.
Trong buổi hội chẩn trực tuyến do Đại học Y Hà Nội tổ chức, tiến sĩ Đoàn Tiến Lưu, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, đã có những trao đổi liên quan BN867 qua chẩn đoán hình ảnh phổi. Qua hình ảnh chụp X-quang, tổn thương phổi lan tỏa hai bên, chứng tỏ bệnh nhân bước vào giai đoạn đỉnh bệnh. Ngoài tình trạng kính mờ, phổi bị ảnh hưởng tạo hình tổ chức kẽ, lưới rõ rệt.
>>> Xem thêm: 'Bỏ lọt' BN 867 mắc Covid-19 đến nhiều phòng khám, bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu rút kinh nghiệm
“Nếu có bệnh nền đi kèm, người này có tiên lượng rất nặng”, TS Lưu nhận định đồng thời nhấn mạnh những người có tổn thương nhu mô phổi chiếm hơn 50% được xếp vào nhóm nguy cơ nặng về hô hấp.
Xem xét X-quang phổi của BN867, TS Lưu cho biết người này xét nghiệm rRT-PCR lần một âm tính nhưng với tổn thương phổi điển hình có thể khẳng định nguy cơ mắc Covid-19 rất cao. Các bác sĩ cần chú ý để phát hiện người mắc Covid-19, kể cả khi họ âm tính với SARS-CoV-2.
Chuyên gia hồi sức tích cực cũng nhấn mạnh, COVID-19 không chỉ gây tổn thương phổi mà còn gây tổn thương tất cả cơ quan nội tạng còn lại. Đặc biệt, bệnh nhân dễ gặp tình trạng máu tăng đông, có thể gây các vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp, nhồi máu… dễ khiến bệnh nhân tử vong.