Chiều 13/5, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết, mấy ngày vừa qua, đã có rất nhiều người liên hệ với Trung tâm, mong muốn được hiến một phần phổi để cứu sống nam phi công người Anh (43 tuổi), bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay.
Đó là một cựu chiến binh 70 tuổi, sống ở Tây Nguyên. Ông gọi điện hỏi về cơ hội cứu sống bệnh nhân 91, sẵn sàng hiến tặng lá phổi của mình và nói rằng cần cứu sống người ấy, cho dù là ai đi chăng nữa.
Người thứ 2 là một phụ nữ 40 tuổi. Người này chia sẻ đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn, mong muốn đem những yêu thương đó lan toả và giúp đỡ những người khác.
"Nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào? Nếu cũng như thận, chỉ lấy 1 phần phổi thì tôi xin phép đăng ký hiến tặng", người phụ nữ 40 tuổi nói.
Theo ông Phúc, dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến bệnh của nam phi công người Anh, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành Y rất nhiều trong việc tận cùng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai.
"Cũng như người cựu chiến binh, ông vẫn đau đáu, liên lạc để sẵn sàng hiến một phần lá phổi của mình vì tưởng bệnh nhân đã được chuyển tới bệnh viện mới để ghép. Gặp lại những tình cảm của những người Việt dù không quen biết nhưng sẵn sàng trao tặng một lá phổi cho người bệnh, tôi càng thấy rõ, dù ở đâu, lúc nào cũng có những điều tốt đẹp, tử tế quanh ta", trên Tổ quốc dẫn lời Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ.
Sáng cùng ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết tình trạng của bệnh nhân 91 tiếp tục có tiên lượng xấu. Kết quả CT Scan phổi cho thấy phổi của bệnh nhân xơ hóa, đông đặc, chỉ còn khoảng 10% hoạt động.
Trước đó, theo nguồn tin trên Tuổi trẻ, chiều 12/5, Bộ Y tế tiếp tục hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn từ 3 miền. Sau khi xem xét tình hình, các chuyên gia có chỉ định ghép phổi cho nam phi công.
Tuy nhiên, trước khi ghép, bệnh viện phải có sự chuẩn bị tốt nhất. Đó là bệnh nhân đã hoàn toàn sạch virus SARS-CoV-2, điều trị nhiễm trùng tích cực, và tìm được phổi hiến tặng có các yếu tố hòa hợp với bệnh nhân về miễn dịch, sinh hoá, kích thước lá phổi...
Khi được khẳng định sạch virus, bệnh nhân sẽ chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị ghép phổi.
Trước đó, đã có một người hiến tặng phổi (người chết não) nhưng người hiến tặng cũng có vấn đề nhiễm trùng nên không thể hiến tặng như tâm nguyện.