Trong ngày 11 và 12/5, một số cơ quan báo chí đưa tin, bình luận về "Một huyện có 2.400 người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19".
Cụ thể, tại huyện Thọ Xuân, qua rà soát của Phòng LĐTB và Xã hội huyện, hơn 46.500 người dân ở các gia đình Chính sách, hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay hơn 2.000 người dân ở đây đã tự nguyện không nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.
Việc các hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ là hành động đẹp, ý nghĩa, nhân văn. Ảnh: VOV
Ngoài huyện Thọ Xuân, còn có nhiều người dân khác ở các huyện như Quảng Xương, Hoằng Hóa… cũng từ chối nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng của Chính phủ. Riêng huyện Quảng Xương đã có trên 300 hộ nghèo, cận nghèo với gần 1.350 người từ chối nhận hỗ trợ. trên các báo có thông tin về việc hàng ngàn người dân ở Thanh Hoá tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để nhường lại cho người khó khăn hơn. Việc làm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.
Tuy nhiên, cũng có một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, có tình trạng ép người dân buộc phải ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thậm chí có việc làm sẵn đơn mẫu để người dân ký vào.
Cụ thể trên mạng xã hội phát tán: "Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19" của hộ gia đình ông Lê Xuân Quang, thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, thuộc diện hộ cận nghèo được đánh máy. Cùng với đó là tin nhắn được chụp lại với nội dung: “Chị ơi! Nhờ chị đăng dùm cái này. Làm đơn sẵn bắt dân ký, ép dân ký, chứ không ai tình nguyện cả”.
Trước những thông tin này, ông Lê Xuân Quang, thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa tỏ ra rất bức xúc: "Tôi xin nói rõ việc không nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 hoàn toàn là do tự nguyện của gia đình. Tôi làm đơn này từ hôm 30/4, còn việc rà soát đến mãi 2-3/5 mới xong, nên không có chuyện có ai ép buộc hay vận động tôi cả. Đây là hoàn toàn do gia đình tự nguyện. Tôi lên Uỷ ban xã nhờ các anh chị ở Văn phòng đánh máy giúp vì tôi không hiểu cách thức viết một lá đơn như thế nào cho đúng".
Theo ông Quang, khi xem truyền hình và báo chí, thấy nhiều nơi như các khu cách ly, y bác sỹ, các anh chị tuyến đầu làm cật lực cả đêm, điều kiện sinh hoạt, ăn uống khó khăn nên ông thấy cần phải đóng góp một phần nhỏ bé. Đó cũng chỉ là chút ít không là gì nhưng là tấm lòng, trách nhiệm của chúng tôi đối với công cuộc phòng chống dịch bệnh.
"Chúng tôi ở quê cũng khó khăn, nhưng ra vườn còn hái được nắm rau để ăn, còn những người cách ly, các anh chị phục vụ không có điều kiện như vậy. Vì thế, tôi quyết định lên xã tự nguyện xin không nhận sự hỗ trợ, để nhường cho những người khó khăn hơn", trên VOV dẫn lời ông Quang chia sẻ và khẳng định việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện. Mà đã làm việc thiện, làm việc có ích thì âm thầm làm, chứ không nên thông tin rộng rãi làm gì.
Cùng quan điểm với ông Quang, chị Lê Thị Yến (sinh năm 1971) thôn 1, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá cũng cho biết: "Chúng tôi người nông thôn, chữ nghĩa không biết, nhờ các anh các chị giúp hộ chúng tôi cái đơn, chúng tôi ký đàng hoàng chứ không có ai vận động hay ép buộc gì cả. Chúng tôi làm việc tự nguyện nên đều thấy vui vẻ".
Chị Yến cho biết, gia đình chị có 5 nhân khẩu được nhận hỗ trợ, chị tự nguyện rút 2 khẩu ra khỏi diện này, tương đương với số tiền 1,5 triệu đồng. Tôi tự xét thấy mình có thể làm được một việc gì đó có ích cho xã hội, chứ không ai ép hay tư vấn tôi phải tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Trong một diễn biến liên quan, theo tin tức trên Zingnew.vn, của Bộ trưởng Bộ LĐTB và Xã hội vừa có công văn đề nghị Giám đốc Sở LĐTB và Xã hội tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị tiến hành kiểm tra tính xác thực của thông tin: "Một huyện có 2.400 người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do dịch COVID-19". Kết quả báo cáo rà soát gửi về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trước ngày 14/5.