Sáng 21/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV bước vào ngày làm việc thứ 2, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Góp ý về quy định độ tuổi học sinh trong dự án Luật Giáo dục sửa đổi, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) bày tỏ nhiều trăn trở về các vấn đề được dư luận quan tâm, trong đó có việc giáo dục chạy theo thành tích, không cho học sinh 'quyền' được lưu ban.
"Sao bây giờ giáo viên cái gì cũng sợ, đánh giá điểm thấp thì sợ học sinh buồn, cho các cháu lưu ban thì sợ cháu bị tổn thương. Thầy cô không dám đụng gì đến học trò vì sợ mạng xã hội chỉ trích…
Tôi rất băn khoăn, chẳng lẽ cha ông ta giáo dục thế hệ trước chẳng tốt hay sao. Phải chăng đổi mới là cứ phải làm khác cũ. Chúng ta ngược lại xem cha ông ta giáo dục thế nào", trên tờ Lao động dẫn lời ĐB Phương trăn trở.
ĐB đoàn Ninh Binh cho rằng, phương châm của ông cha ta chọn thầy cho con là phải “hay chữ dữ đòn”, yêu thương con là "yêu cho roi cho vọt".
Thế rồi thế hệ chúng ta đi học, ở lớp lưu ban là chuyện bình thường. Có bạn lưu ban 2,3 năm, tốt nghiệp cấp 2,3 tỉ lệ thấp là chuyện bình thường; nhiều trường chỉ 60- 80% tốt nghiệp.
Các thầy cô trách phạt học sinh nhưng vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt là đúng, là bài học cho chúng ta hôm nay.
"Dự án Luật Giáo dục sửa đổi nên quy định vào lớp 1 không dưới 6 tuổi, vào lớp 6 là không dưới 11 tuổi, vào lớp 10 không dưới 15 tuổi, bởi chuyện học trên tuổi là bình thường, có thể học tập suốt đời", vị ĐB đoàn Ninh Bình kiến nghị và cho rằng cần kiên quyết ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục, nếu cứ kéo dài thì con em chúng ta sẽ bị ảo tưởng với bản thân mình. Được xếp loại giỏi, toàn điểm 9, điểm 10 nhưng chưa chắc đã giỏi thật sự.
Cũng trong buổi thảo luận về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho hay, thời gian qua, việc tổ chức thi “2 trong 1” THPT xảy ra nhiều tiêu cực, được dư luận quan tâm.
"Thi thì kết quả đậu rất cao, có địa phương đạt 99%. Thi có trúng, trượt nhưng cách vừa qua xem có hợp lý hay không?”, trên VietNamNet dẫn lời ông Hòa nói và cho rằng việc vẫn cần có thi THPT nhưng ông đề xuất cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu thời gian sau, tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi THPT, chỉ cấp bằng THPT có điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước vì kỳ thi rất tốn kém.
Theo ông Hòa, nên tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, những học sinh trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích và năng lực. Từ đó chất lượng đầu vào ĐH nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội.
Về quy định SGK, ĐB Phạm Văn Hòa lưu ý SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài chứ không phải mỗi năm lại thay sách khác, gây lãng phí.
ĐB Hòa cũng góp ý sách tham khảo nên do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng quy định cụ thể rõ ràng để phòng ngừa việc giáo viên lợi dụng sách tham khảo để học thêm, dạy thêm; nếu học sinh không học thì không biết làm bài kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh.