Thời gian qua, dư luận xôn xao trước danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La. Trong 44 thí sinh thì có tới 10 trường hợp là con em cán bộ đang làm việc trong ngành giáo dục và quan chức nắm giữ chức vụ quan trọng ở tỉnh.
Chia sẻ về việc này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhìn qua danh sách được báo chí đăng tải có thể thấy, hầu hết các thí sinh được nâng điểm toàn con em lãnh đạo, từ tỉnh đến các sở ban ngành, lĩnh vực như công an, biên phòng, giáo dục, kiểm lâm, thuế...
"Đáng nói là vì sao trong danh sách này chỉ thấy người ta nâng điểm cho con cháu các lãnh đạo, cho quan đầu tỉnh hay nâng cho con Cục trưởng, Chi cục trưởng, rồi cán bộ công an, kiểm lâm, quản lý giáo dục… trong khi đó, lại không thấy có con em nông dân hay hộ dân tộc nghèo, vùng sâu xa nào được nâng điểm.
Rõ ràng việc nâng điểm này không phải để ưu đãi cho những người yếu thế mà dành cho những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng", trên Trí thức trẻ dẫn lời ông Nhưỡng đặt nghi vấn.
ĐB Bình Nhưỡng cho rằng, vụ việc khiến cử tri, nhân dân băn khoăn, lo ngại về việc có hay không có sử dụng quyền lực, việc tham nhũng, đưa nhận hối lộ, môi giới hối lộ, dùng quan hệ thân hữu để vun vén cho người thân, người nhà...
"Nếu chúng ta không công khai danh tính họ, chúng ta làm sao hiểu được nguyên nhân, động cơ, mục đích của nâng điểm là gì?
Bên trong, đằng sau việc nâng điểm đó là gì? Phải xử lý nghiêm đội ngũ cán bộ tha hoá, đối với hệ thống giáo dục hiện nay", ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.
Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ thêm, việc thực hiện các hành vi để có được ưu đãi, nâng điểm cho con cháu mình chính là thể hiện sự thiếu liêm chính, liêm sỉ, chỉ biết bo bo lo cho bản thân, gia đình của một bộ phận cán bộ hiện nay.
Do đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, công khai danh tính những người có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vụ hàng loạt con lãnh đạo các sở, ngành ở Sơn La được nâng điểm, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, cũng cho rằng trách nhiệm lớn nhất trong vụ tiêu cực, gian lận thi cử ở Sơn La thuộc về địa phương, trong đó, trực tiếp là Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở GD&ĐT.
Sau khi danh sách phụ huynh ở tỉnh Sơn La có con được nâng điểm, sửa điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được công bố, có những phụ huynh lên tiếng phủ nhận không liên quan. Ông Thuyết cho rằng việc này là vô lý.
"Theo lý luận của họ, thì chính cán bộ, lãnh đạo ấy phải xem lại mình thế nào thì cấp dưới mới tìm cách làm hài lòng mình bằng việc nâng điểm cho con. Thực tế cũng có những 'ông to' không cần nói câu nào mà cấp dưới tự hiểu, tự làm. Tôi nghĩ nếu lãnh đạo nghiêm khắc từ đầu thì cấp dưới không bao giờ dám làm như thế, cũng không ai tự nhiên làm thế cả", trên Tri thức trực tuyến dẫn lời giáo sư Thuyết khẳng định.
Trước đó, theo tin tức trên tờ Tuổi Trẻ, ngày 17/4, thông tin từ Cục Đào tạo - Bộ Công an cho biết kết quả điều tra việc chấm thẩm định thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy có 25 thí sinh ở tỉnh Sơn La đã được nâng điểm để có điểm số cao hơn so với điểm thực tế và đã trúng tuyển vào trường công an.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường - trưởng phòng tổng hợp Cục Đào tạo - cho biết tất cả số thí sinh này sẽ được các trường công an làm thủ tục để trả về Công an tỉnh Sơn La.
Thống kê cho thấy trong 25 thí sinh Sơn La bị trả về có 16 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân, 7 thí sinh trúng tuyển vào Học viện an ninhnhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy.
Ngoài thí sinh được nâng điểm “khủng” nhất lên 26,55 điểm, trong số 44 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, dư luận còn quan tâm tới thí sinh được nâng 25 điểm và trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Đây là thí sinh được nâng nhiều điểm nhất trong số con cán bộ tại Sơn La có tên trong danh sách “chạy điểm”.
Thí sinh này có số báo danh 14000430, tổng điểm 6 môn là 44,85 điểm, nhưng điểm thực chỉ là 19,85. Như vậy tổng số điểm được nâng là 25 điểm.
Được biết, thí sinh này có bố là Phó phòng Cảnh sát hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh Sơn La. Đây cũng là một trong 25 thí sinh Sơn La bị các trường Công an trả về.
Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần xử thật nghiêm minh cả phụ huynh và học sinh gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình. Không thể để "con quan rồi lại làm quan" nhờ gian lận. Phải làm rõ phụ huynh đã đưa bao nhiêu tiền để nâng điểm cho con. Những người này cần bị xử lý bởi tham nhũng, đưa hối lộ đều là hành vi trái pháp luật.